Cho vay tiêu dùng về tay Công ty tài chính: “Có thể làm tăng rủi ro”

(Dân trí) - Quan điểm và nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng trước quy định buộc Ngân hàng Thương mại phải lập Công ty Tài chính mới được cho vay tiêu dùng trong dự thảo của Ngân hàng Nhà nước mới đây

TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Tìm cách giảm lệ thuộc Trung Quốc tại mặt hàng hoa quả
* Cho vay tiêu dùng về tay Công ty tài chính: “Có thể làm tăng rủi ro”
* Đại diện tòa nhà Lotte lên tiếng vụ thang máy rơi
* “Đặc khu kinh tế” Phú Quốc được đánh thức nhờ cơ chế đặc biệt
* Myanmar - mảnh đất “vàng” cuối cùng của châu Á
* [VIDEO] Tài chính kinh doanh sáng 26/09/2014

Dự thảo Thông tư về Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) đang được đưa ra lấy ý kiến, trong đó tại Khoản 2 Điều 3 có quy định các Ngân hàng Thương mại (NHTM) muốn cho vay tiêu dùng phải thành lập CTTC. Xung quanh vấn đề này PV Dân trí
 đã trao đổi với Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu về tác động của Thông tư này (nếu được thông qua) đối với đời sống và lĩnh vực cho vay tiêu dùng - lĩnh vực đang được đánh giá rất tiềm năng tại Việt Nam.
 
Mục đích của NHNN theo dự thảo là muốn quản lý vay tiêu dùng, tránh nợ xấu? Vậy theo lý thuyết quy đinh này có là biện pháp hay và thực tế các NHTM có phải bỏ thêm những thủ tục phiền hà hay không?

Mục đích của NHNN là muốn ngăn dòng tiền rủi ro, nợ xấu chảy quá nhiều vào tín dụng tiêu dùng, đây là lĩnh vực cho vay có độ rủi ro cao bởi phần lớn các hợp đồng vay là tín chấp. Nếu là tín chấp thì các doanh nghiệp còn có cơ sở để thu hồi nợ. Chẳng hạn, doanh nghiệp khó có thể di chuyển chỗ này sang chỗ kia hoặc dựa vào tính chất pháp lý có thể dễ dàng đâm đơn kiện được. Riêng với cá nhân khi trốn khỏi nơi cư trú rất khó tìm, thành ra độ rủi ro của cho vay tiêu dùng rất cao.

Theo dự thảo, các NHTM phải thông qua CTTC để cho vay tiêu dùng. Các NHTM sẽ đẩy 1 lượng tiền nhất định vào CTTC, các CTTC này có trách nhiệm đưa lượng vốn ấy vào thị trường. Các hoạt động của CTTC sẽ độc lập với NHTM về quản trị vốn, điều hành vốn và hạch toán độc lập. Nếu có nợ thì nó cũng không phải là nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, việc lập CTTC chẳng khác nào chuyển đổi chủ sở hữu vốn cho công ty con chuyên kinh doanh, yêu cầu nó phải tự sống độc lập.

Quá trình hoạt động, nếu CTTC đó làm ăn thua lỗ thì chỉ gây thiệt hại cho công ty tài chính không ảnh hưởng đến ngân hàng. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng nếu đẩy các khoản vay tiêu dùng sang các CTTC trực thuộc NHTM, chúng ta chỉ thay đổi được chủ vốn, còn dòng vốn đẩy ra thị trường vẫn là của NHTM, vẫn cùng 1 “mẹ đẻ ra”. Giữa lúc các NHTM đang cần mở van tín dụng tiêu dùng nhằm tháo gỡ khó khăn khi tín dụng doanh nghiệp bế tắc mà chúng ta đưa ra chính sách này là không hợp lý. Quan điểm của tôi, có thể không làm giảm độ rủi ro cho thị trường tài chính mà còn làm tăng độ rủi ro lên nữa.

Tôi cũng đánh giá việc có hiện tượng ôm các CTTC, xu hướng sáp nhập sẽ gia tăng và đặc biệt có thể có lượng vốn ngoại đổ vào lập các CTTC. Nhưng nếu không cẩn thận sẽ có hiện tượng 1 loạt các CTTC ra đời như kiểu hoạt động của các công ty chứng khoán năm 2006 – 2008.
 
Cho vay tiêu dùng về tay Công ty tài chính: “Có thể làm tăng rủi ro”
Theo ông Hiếu, cho vay tiêu dùng đang là dư địa rất lớn dành cho các NHTM, chỉ cần chúng ta đưa ra quy định được vay và lãi suất vay là có thể phát triển tốt thị trường này. Không nên giao toàn quyền cho các CTTC vì hoạt động của các công ty này đang rất rối ren.

Các NHTM đang hướng đến tăng tín dụng tiêu dùng nhưng dự thảo này đã và đang gây khó dễ cho họ?

Thời gian vừa qua, các NHTM đã tăng tín dụng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ cho vay. Có thể coi tín dụng tiêu dùng là kênh bán lẻ cứu cánh các NHTM trong thời gian ngắn, lúc nước sôi nửa bỏng. Thị trường tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam đang rất rộng của và nhu cầu vay mua sắm đang tăng mạnh mẽ, rất cần chúng ta tái cấu trúc và xây dựng các chế tài, quy định để tạo dựng hành lang cho các NHTM được khai thác “vùng dư địa màu mỡ” này. Hoạt động vay tiêu dùng của các CTTC trong thời gian qua để lại ấn tượng xấu với người đi vay bởi các CTTC cho vay lãi suất quá cao và khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

Tại các nước, các NHTM đều được quyền cho vay, cả món to, món nhỏ không phân biệt đối tượng. Theo thông lệ quốc tế thì những món vay lớn thuộc về ngân hàng thương mại, món vay nhỏ dành cho CTTC. Các đối tượng vay có chứng minh tài chính, thu nhập, không có lịch sử nợ xấu, có lịch sử trả nợ tốt…thì thuộc về ngân hàng, còn ở bên công ty tài chính thì họ có thể chấp nhận những cá nhân có độ rủi ro cao hơn.

Nếu dự thảo này được thông qua, ngân hàng muốn đi vào tín dụng tiêu dùng 1 cách mạnh mẽ thì vẫn có cửa là lập CTTC hoặc mua lại CTTC. Biện pháp này có thể giảm thiểu rủi ro nhưng không linh động. NHNN nên thực hiện đúng chức năng của người điều tiết và quản lý, còn hãy trao quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho các NHTM. Họ cho vay thế nào, cách thức như thế nào thì phụ thuộc vào các NHTM, họ chấp nhận rủi ro thì họ làm, miễn là họ tuân thủ theo pháp luật, Luật các Tổ chức Tín dụng. Nếu họ thấy cần thiết phải chuyển vốn sang CTTC thì đó là quyết định của họ, đừng ép họ.

Việc bắt buộc các NHTM phải cho vay tiêu dùng qua CTTC liệu có phải “đũa thần” đã được các nước ngoài áp dụng? và kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

Các nền tài chính thế giới không phân biệt quá rõ về việc ai được quyền cho vay tiêu dùng và ai không. Các NH ở nước ngoài vẫn cho vay tiêu dùng nhưng với quy đinh ngặt nghèo về điều kiện vay, các CTTC thì nới rộng các quy định, nhưng lãi suất cao và có nhiều rủi ro cho người đi vay hơn.

Ở nước ngoài, các NHTM vẫn cho vay nhưng với nhiều quy định chặt chẽ hơn. Kinh nghiệm của Mỹ, họ lập ra 1 hệ thống tính điểm tín dụng cá nhân tối đa là 800 điểm và có trừ dần điểm của cá nhân nếu không đáp ứng được yêu cầu của họ. Các hệ thống tính điểm như: lịch sử người đó làm việc ở  đâu, lịch sử chỗ ở, có phá sản hay không, đã bị xử phạt bao giờ chưa, có bao nhiêu món nợ và vay của món nợ đó như thế nào... Cty về xếp hạng tín dụng tiêu dùng Credit Federal (Mỹ) là điển hình cho cách thức xây dựng chỉ số tính điểm và được các NHTM Mỹ thừa nhận.

Theo Credit Federal, những người có từ 700 – 800 điểm là có lịch sử trả nợ tốt, công việc ổn định lâu dài và hiện tại đang vay với 1 tỷ lệ thấp. Đối tượng này rất dễ tiếp cận vốn và được vay vốn giá rẻ. Cá nhân từ 600 – 700 điểm tương đối tốt và đi vay cũng được nhiều ưu đãi, nhưng lãi suất cao hơn so với loại trên. Trường hợp 500 – 600 điểm là rất khó vay, giá vốn cao và. Người chỉ đáp ứng được 400 – 500 điểm thì không có hy vọng để đi vay tiêu dùng tại các ngân hàng.

Các ngân hàng dựa vào đây để cho vay rất nhanh và chỉ 24h cho vay được thôi. Rất nhanh, rất tiện và rất an toàn. Tại Mỹ, 70- 80% người dân đều có mã số tính điểm. Nếu các cá nhân nào không tiếp cận được vốn vay tiêu dùng của NHTM thì họ sẽ phải chấp nhận vay ở các CTTC với lãi suất cao hơn rất nhiều lần.

Ở nước ngoài và cụ thể ở Mỹ, các CTTC cũng cho vay với mức lãi cắt cổ và không chịu ràng buộc gì về trần lãi suất hoặc lãi suất cơ bản của Nhân hàng Trung ương cả. Tuy nhiên, họ có những đạo luật quy định về mức cho vay và tuân thủ theo hệ thống tính điểm của 1 trong 3 hệ thống của Mỹ. Theo tôi, những cách thức trên là kinh nghiệm giúp cho Việt Nam bởi trong thời gian sắp tới, khi nền kinh tế phát triển, vay tiêu dùng sẽ là một trong những dư địa cực kì tốt, chúng ta nên thu về NHTM để quản lý tốt hơn lượng vốn ra thị trường cũng như bảo vệ người tiêu dùng.
 
Xin cảm ơn Tiến sỹ!
Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”