Chính thức kết thúc bình ổn giá sữa
(Dân trí) - Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/4/2017 sau gần 3 năm thực hiện.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật giá và các văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, vẫn lưu ý đến việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm soát giá, chống đầu cơ, độc quyền với mặt hàng này.
Trước đó, tại Nghị quyết 113/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2016, Chính phủ đã thống nhất tiếp tục thực hiện biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết quý I/2017.
Hồi đầu năm nay (từ 1/1/2017), công tác quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được chuyển giao cho Bộ Công Thương chủ trì thực hiện theo theo quy định tại Nghị định 149 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.
Theo đó, kể từ đầu 2017 Bộ Công Thương thay thế Bộ Tài chính tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá với thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong đó có mặt hàng sữa.
Mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được đưa vào danh mục hàng bình ổn và áp trần giá từ tháng 6/2014 sau loạt biện pháp quản lý khác như đăng ký, kê khai giá không hiệu quả. Cơ quan chức năng công bố giá trần bán buôn với hơn 600 sản phẩm sữa bột, giá bán lẻ được quy định không được cao hơn quá 15% so với mức bán buôn này.
Số lượng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương lên tới 877 sản phẩm.
Hồi tháng 3, Sách Trắng 2017 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã tiếp tục đề xuất Việt Nam nên gỡ bỏ chính sách giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đồng thời cho phép quay trở lại với cơ chế giá thị trường và không nên tiếp tục áp dụng các biện pháp áp đặt giá bán tối đa như hiện tại, cũng như không ban hành các biện pháp quản lý giá khác.
Bởi theo hiệp hội này, kể từ khi biện pháp giá trần được áp dụng vào năm 2014, rất nhiều khoản chi phí đội lên tác động tới hoạt động của nhà sản xuất và phân phối sữa.
“Việc Chính phủ đưa ra các quy định can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là một lời cảnh báo đáng lo ngại về một môi trường đầu tư chưa thực sự ổn định, thân thiện và hội nhập của Việt Nam, đồng thời đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ” - EuroCham nhận định.
Bích Diệp