Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng
(Dân trí) - Từ năm 2011 đến nay, số lượng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép. Chính phủ yêu cầu cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng cường kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối thị trường cả trong và ngoài nước; đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công... phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu; thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý; đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng cường kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Số liệu do ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN vừa công bố cho thấy: Về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng; các ngân hàng thương mại Nhà nước duy trì vị trí chủ đạo, đóng vai trò trụ cột trong việc giữ vững sự ổn định hệ thống các TCTD…
Cùng với đó, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng; sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD diễn ra mạnh mẽ nhằm vừa xử lý những TCTD yếu kém vừa tăng quy mô, năng lực cạnh tranh của các TCTD. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép.
Về nợ xấu, từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012), trong đó xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chiếm 41,3%, còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Trở lại với Nghị quyết phiên họp, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn, nhất là các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường triển khai quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong những tháng còn lại của năm 2015; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn vay; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ nợ công; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm.
Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối thị trường cả trong và ngoài nước; dự báo, đánh giá và thông tin kịp thời nhu cầu thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn; thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản; tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi; chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm…
Nguyễn Hiền