Chính phủ: Sẽ không có gói kích cầu nào!

(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính cho biết, riêng gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do Bộ đề xuất có tác động tài chính lên tới 29.000 tỷ đồng, song chỉ khiến giảm thu ngân sách năm 2012 vào khoảng 9.000 tỷ đồng.

Chính phủ: Sẽ không có gói kích cầu nào!

Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Việc hỗ trợ thực hiện theo nguyên tắc đúng địa chỉ (ảnh: B.D).

Phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 tổ chức chiều nay (4/5) trở nên “nóng” hơn với những thông tin liên quan đến việc “giải cứu” doanh nghiệp trong bối cảnh đình trệ sản xuất, cầu trong nước xuống thấp.

Vấn đề này trong thời gian gần đây vốn đã được đưa ra thảo luận, bàn bạc liên tục tại nghị trường Thường vụ Quốc hội, các phiên họp của các bộ ngành Chính phủ cũng như tại các hội thảo khoa học.

Gần đây nhất, thông tin về gói giải pháp hỗ trợ do Bộ Tài chính đề xuất đã tạo ra không ít luồng ý kiến đồng ý lẫn trái chiều, mặc dù tất cả đều cho rằng, gói giải pháp này đưa vào thời điểm hiện nay là phù hợp và cần thiết.

Có mặt tại buổi Họp báo chiều nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, gói giải pháp đưa ra dựa trên 5 nguyên tác: Thứ nhất là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để lạm phát quay trở lại và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Thứ hai, hỗ trợ đúng đối tượng doanh nghiệp đang khó khăn và hỗ trợ một cách kịp thời.

Thứ ba, có tính đến khả năng cân đối ngân sách nhưng đồng thời tạo điều kiện về vốn, thanh khoản cho doanh nghiệp. Thứ tư, phối hợp tốt với điều hành chính sách tiền tệ để từng bước cắt giảm lãi suất, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Thứ năm, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Toàn bộ gói giải pháp này theo bà Mai cho biết, tác động tài chính vào khoảng 29.000 tỷ đồng, cao hơn 4.000 tỷ đồng so còn số được công bố trước đó.

Cụ thể, các giải pháp về giãn thuế tác động khoảng 16.000 tỷ đồng (giãn thuế VAT khoảng 12.030 tỷ đồng, giãn thuế TNDN khoảng 3.000 tỷ đồng). Giải pháp miễn giảm thuế TNDN và thuế khoán đối với hộ và thuế môn bài 4.100 tỷ đồng. Giải pháp giảm 50% tiền thuế đất khoảng 1.500 tỷ đồng. Riêng giải pháp lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ (phí sử dụng đường bộ thu theo đầu phương tiện) có hiệu lực từ 1/6 đến 1/1/2013 cũng góp vào giảm nghĩa vụ đóng phí cho doanh nghiệp khoảng 3.000-3.200 tỷ đồng. Cộng với khác giải pháp liên quan đến chi tiêu khoảng 2.670 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng đến thu ngân sách năm 2012 của gói giải pháp này chỉ vào khoảng 9.000 tỷ đồng do giãn thuế 6 tháng hay 9 tháng đều nộp vào ngân sách trong năm.

Về giãn thời hạn nộp thuế sử dụng đất đối với những nhà đầu tư thực sự khó khăn trong thời gian 12 tháng, đại diện Bộ Tài chính cho hay sẽ giao UBND các tỉnh, thành phố quyết định thông qua thường trực Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện sẽ căn cứ  vào tính hình cân đối ngân sách của từng địa phương và phụ thuộc vào mức độ khó khăn của các dự án, nhóm dự án.

Chính phủ: Sẽ không có gói kích cầu nào!

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Việc áp trần lãi suất cho vay với một số lĩnh vực đã được cân nhắc kỹ (ảnh: B.D).

Trần lãi suất cho vay với 4 lĩnh vực ưu tiên là 15%/năm

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định, thời gian tới, hoàn toàn sẽ không có gói kích cầu nào. Bởi theo Bộ trưởng, việc tung ra gói kích cầu sẽ tạo nguy cơ khiến lạm phát quay trở lại trong một vài năm tới.

Bộ trưởng Đam lưu ý bối cảnh khó khăn của nền kinh tế cũng chính là cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp. Trong thời điểm hiện tại, bản thân các doanh nghiệp cũng phải định hướng đổi mới quản trị và có những chiến lược riêng, phù hợp để tồn tại.

Kinh tế khó khăn sẽ giúp sàng lọc những doanh nghiệp theo quy luật của thị trường. “Mừng là có những doanh nghiệp giảm trong những ngành mà chúng ta muốn giảm như khoáng sản và luyện thép” – Bộ trưởng Đam nói.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, việc điều hành sắp tới vẫn theo hướng giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn với VND ở 4 lĩnh vực ưu tiên không qua 3% lãi suất huy động, tức vào khoảng 15%. Việc áp trần lãi suất cho vay với một số lĩnh vực tới đây, Phó Thống đốc nói, cơ quan điều hành đã có cân nhắc kỹ lưỡng.

Ông cũng thừa nhận rằng, mặc dù đây là quy định yêu cầu các tổ chức tín dụng bắt buộc phải thực hiện song thực tế không thể bao giờ cũng đảm bảo được việc tuân thủ 100% mà có thể vẫn có thể xảy ra sai phạm đâu đó về vượt trần.

Trong điều hành tiền tệ, các biện pháp có tính chất hành chính như trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay, theo Phó Thống đốc đều chỉ có tính chất tạm thời trong một thời gian nhất định.

Liên quan việc sắp xếp, tái cơ cấu lại 5-8 ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, đến nay vẫn đang được tiến hành. Song theo Phó Thống đốc, để đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền và ổn định thị trường tài chính, quá trình này sẽ được thực hiện một cách cẩn trọng, không vội vàng.

Bích Diệp