25.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp: Lớn nhưng đã trúng?

(Dân trí) - Các chuyên gia kinh tế góp ý, trong bối cảnh tồn kho cao, có thể hỗ trợ doanh nghiệp ở chi phí đầu vào thông qua giãn lộ trình tăng giá điện, xăng dầu. Đồng thời, nên nhắm thẳng vào những doanh nghiệp có chiến lược, tiềm năng.

25.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp: Lớn nhưng đã trúng?

TS Lê Đăng Doanh: Khi doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” thì kể cả giãn, hoãn đóng thuế cũng không giải quyết được vấn đề (ảnh B.D).

Bộ Tài chính đề xuất gói giải pháp tổng thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong đó tập trung vào phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn thuế giá trị gia tăng.

Trị giá của cả gói giải pháp này khi lượng hóa rơi vào khoảng 25.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ, sẽ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 và gia hạn thuế giá trị gia tăng ba tháng tháng 4, 5, 6 trong sáu tháng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất giảm 50% tiền thuê đất đối với các  kinh doanh lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại. Gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa hai tháng cho các doanh nghiệp khó khăn về tài chính. Còn với hộ kinh doanh nhà trọ khu công nghiệp thì được miễn thuế giá trị gia tăng.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện tại, mặc dù  việc “giải cứu” doanh nghiệp là một nhiệm vụ bức thiết của thực tế đặt ra cần phải giải quyết.

Những khó khăn của doanh nghiệp thời gian vừa rồi đã khiến chỉ số tăng trưởng GDP chậm lại trong quý I, đạt mức 4% thấp nhất trong nhiều năm qua. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6-6,5% là khó khả thi. Vì vậy, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiên thứ 7 vừa rồi, mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được đưa ra bàn bạc, thảo luận khá kỹ lưỡng.

Nhiều ý kiến sốt ruột cho rằng, kinh tế đất nước đã có những dấu hiệu của suy thoái, thậm chí đề cập đến điều chỉnh mục tiêu GDP. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Chúng ta nói ổn định vĩ mô, an sinh xã hội nhưng phải đảm bảo tăng trưởng, không tăng trưởng thì không làm được gì”.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong trung tuần tháng 5, Bộ sẽ công bố rõ về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể hơn để khắc phục khó khăn hiện tại.

25.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp: Lớn nhưng đã trúng?

TS Vũ Đình Ánh: Mấu chốt của DN hiện tại là sức mua ì ạch, cầu thấp, giá cao nên khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho cao (ảnh: B.D).

Giãn lộ trình tăng giá điện và xăng dầu thiết thực hơn

Cần thiết là vậy, nhưng gói giải pháp này của Bộ Tài chính đề xuất liệu đã đi trúng vào vấn đề thực tế yêu cầu?

Trao đổi về vấn đề này, theo như đánh giá của TS Vũ Đình Ánh, việc giảm và giãn thuế hiện nay chỉ có thể giải quyết được một phần rất nhỏ của vấn đề trong bối cảnh tình trạng sức khỏe doanh nghiệp quá yếu.

Ông cho rằng, mấu chốt hiện tại là sức mua ì ạch, cầu thấp, giá cao nên khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho cao.

Báo cáo của Bộ Công thương được đưa ra trong phiên họp giao ban báo chí mới đây cũng cho thấy, hiện tại giá đầu vào của các doanh nghiệp trên hầu hết các lĩnh vực ngành nghề đều biến động tăng. Vì vậy, khó tránh khỏi việc doanh nghiệp phải tăng giá thành tránh lỗ, trong lúc đó, cầu nội địa quá thấp khiến tồn kho, ứ đọng càng tăng cao.

Vì vậy, theo ông Ánh, động thái cần thiết trước mắt phải là giải quyết số tồn kho này. Thay vì giãn và hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, Nhà nước có thể tính đến giãn lộ trình tăng giá điện, xăng dầu cho doanh nghiệp. Đây là một trong những phương án hỗ trợ về giá đầu vào của doanh nghiệp – bao gồm tất cả những yếu tố trên chứ không chỉ là vốn.

Như vậy, khi đó giá thành sản phẩm đến người tiêu dùng sẽ rẻ hơn, kích được “cầu” (bao gồm khả năng chi trả) và giải quyết được hàng tồn kho.

Về giảm thuế VAT (10%), ông Ánh tỏ ra tán thành vì cho rằng, điều này cũng sẽ góp phần vào giảm giá thành sản phẩm và kích thích người tiêu dùng chi trả nhiều hơn.

Còn theo góp ý của chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh, khi doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” thì kể cả giãn, hoãn đóng thuế cũng không giải quyết được vấn đề. Nhà nước nên tính đến việc thành lập một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp dưới dạng bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vay vốn với giá rẻ đối với những doanh nghiệp có thị trường và có chiến lược kinh doanh. Quỹ này có thể không lớn nhưng đúng trọng tâm, sẽ thiết thực hơn so con số khổng lồ trên.

Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, khi đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý, thực tiễn cho thấy, các biện pháp giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào những doanh nghiệp có lợi nhuận chịu thuế.

Vì vậy, những doanh nghiệp rất khó khăn, chưa có lợi nhuận để giãn thuế thì thời gian tới cũng cần phải có những giải pháp hỗ trợ khác.

 Bích Diệp