Chính phủ Mỹ kiện S&P vì xếp hạng tín nhiệm thiếu chính xác
(Dân trí) - Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P xác nhận cơ quan này chuẩn bị phải đối mặt với vụ kiện dân sự từ chính phủ Mỹ về những đánh giá thiếu chính xác đối với các trái phiếu liên quan đến bất động sản trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra.
S&P bị cho là có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng tài chính
Cụ thể, theo S&P, vụ kiện này sẽ tập trung vào các mức xếp hạng tín nhiệm cao mà cơ quan này đã đưa ra đối với một số chứng khoán liên quan đến bất động sản năm 2007, nhưng ngay sau đó các chứng khoán này đã mất giá chóng mặt.
S&P tuyên bố rằng vụ kiện này hoàn toàn vô căn cứ và không có giá trị pháp lý.
Vụ kiện sẽ đánh dấu lần đầu tiên một cơ quan xếp hạng tín nhiệm bị cáo buộc có hành động sai trái liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính.
S&P cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã thông báo cho họ về vụ kiện dân sự sắp diễn ra mặc dù cơ quan liên bang này từ chối bình luận. Theo tờ Wall Street Journal, quyết định trên được bộ Tư pháp đưa ra sau khi các cuộc đàm phán với S&P đổ bể. Dự kiến sẽ có nhiều bang cùng tham gia vụ kiện này.
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, giá cổ phiếu của McGraw Hill, công ty mẹ của S&P đã lao dốc tới 14% trong phiên 4/2. Cổ phiếu của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng sụt mất 10% bởi thị trường cho rằng Moody’s có thể là đích ngắm tiếp theo của Bộ Tư pháp Mỹ.
Trước vụ kiện này, S&P cùng nhiều cơ quan xếp hạng tín nhiệm khác đã hứng chịu chỉ trích từ các nhà đầu tư, các chính trị gia cũng như cơ quan quản lý tại Mỹ do đã xếp hạng tín nhiệm mức cao nhất, AAA, cho hàng nghìn chứng khoán dưới chuẩn và các chứng khoán bất động sản khác. Những chứng khoán này sau đó đã mất giá thảm hại khi khủng hoảng tài chính 2007 nổ ra.
Việc những cơ quan xếp hạng này nhận tiền từ chính các nhà phát hành trái phiếu và các chứng khoán khác để xếp hạng cho các trái phiếu và chứng khoán đó làm dấy lên lo ngại về khả năng có xung đột về lợi ích.
Các mức xếp hạng do các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đưa ra có thể ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn từ thị trường của một công ty cũng như mức giá các nhà đầu tư sẵn sàng trả cho các chứng khoán.
Trong vụ bong bóng bất động sản dưới chuẩn, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong đó có S&P được thuê để đánh giá các nghĩa vụ nợ được dùng làm tài sản bảo đảm (CDOs). Đây là một giao dịch tài chính phức tạp trong đó hàng nghìn khoản cho vay đối với người mua nhà cá nhân được “đóng gói” thành một giao dịch.
Công việc của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đó là đánh giá khả năng các khoản vay mua nhà này, hay chính là các CDOs, có thể được hoàn trả hay không. Các mức xếp hạng họ đưa ra sẽ giúp các ngân hàng, những người thực hiện việc “đóng gói” các CDOs lại với nhau có thể bán chúng cho các nhà đầu tư khắp thế giới.
Trong bản báo cáo hồi tháng 1/2011, Ủy ban điều tra về khủng hoảng tài chính của Mỹ đã gọi các cơ quan xếp hạng tín nhiệm là “những bánh răng thiết yếu trong bánh xe hủy diệt tài chính” và là “những kẻ tạo điều kiện chủ chốt cho sự sụp đổ tài chính”. Ngoài vụ kiện từ chính phủ Mỹ, S&P từng phải đối mặt với nhiều vụ kiện tương tự từ các nhà đầu tư.
S&P khẳng định họ “hối tiếc sâu sắc” việc xếp hạng các CDO đã không thể dự báo trước tình hình của thị trường bất động sản cầm cố và rằng họ đã chi 400 triệu USD để tăng cường chất lượng xếp hạng tín nhiệm.
“Mọi CDO mà Bộ Tư pháp quy trách nhiệm cho chúng tôi cũng đã nhận được mức xếp hạng tín nhiệm tương tự từ các cơ quan xếp hạng tín nhiệm khác”, thông báo ngày 4/2 của S&P khẳng định. “Bộ Tư pháp sẽ hoàn toàn sai lầm khi cho rằng các mức xếp hạng của S&P bị chi phối bởi những toan tính về thương mại và không được đưa ra một cách chân thật”.
Thanh Tùng
Theo BBC