Chính phủ duyệt bán doanh nghiệp nhà nước theo lô

(Dân trí) - Việc thoái vốn theo lô theo nguyên tắc bán đấu giá công khai; áp dụng cho các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không nắm giữ cổ phần chi phối; và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai đối với các đợt bán đấu giá theo lô.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, Chính phủ đã thống nhất cho phép áp dụng một số chính sách để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
 
Cụ thể, để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan, Chính phủ đã thống nhất về chủ trương cho phép áp dụng phương thức thoái vốn tại doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán và chưa bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Việc thoái vốn theo lô được thực hiện dựa trên nguyên tắc bán đấu giá công khai; áp dụng cho các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không nắm giữ cổ phần chi phối; và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai đối với các đợt bán đấu giá theo lô.
 
Đấu giá công khai một phần số cổ phần dự kiến bán, dành phần còn lại (tối đa bằng 70% số lượng cổ phần dự kiến bán) để bán thoả thuận cho người lao động có cam kết làm việc lâu dài tại doanh nghiệp khi thoái vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa.
 
Đối với doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa nhưng chưa có điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) ngay, thì giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp bằng 60% giá khởi điểm theo phương án cổ phần hóa.
 
Nghị quyết nêu rõ, chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa được trích theo hợp đồng đã ký và được để lại công ty cổ phần thực hiện bảo hành sản phẩm theo hợp đồng.
 
Chính phủ cũng thống nhất, trường hợp xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác được xác định thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì giá trị vốn đầu tư dài hạn được lấy theo giá trị xác định thực tế.
 
Việc xác định giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào một công ty cổ phần mà cổ phiếu của công ty cổ phần này đã niêm yết trên thị trường upcom (thị trường giao dịch cổ phiếu của Công ty đại chúng chưa niêm yết) không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp thì được xác định theo quy định tại Khoản 1, Điều 33 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ.
 
Chính phủ yêu cầu trong thời gian 60 ngày làm việc kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành việc lập báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, đề nghị cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế, thực hiện quyết toán, xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý.
 
Cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn thuê tư vấn để xây dựng phương án thoái vốn; chi phí thoái vốn do chủ sở hữu quyết định và được trừ vào giá trị phần vốn nhà nước đã thoái, chủ sở hữu chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
 
Chính phủ giao Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa và lựa chọn tổ chức đấu giá đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông... khi cổ phần hóa.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp diễn ra hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu đề ra văn bản hướng dẫn về việc bán trọn lô cổ phần để triển khai thực hiện. “Nếu không bán trọn lô mà bán lẻ tẻ thì sẽ không có nhà đầu tư lớn nào quan tâm cả” – ông Thăng phân tích.

Riêng Bộ GTVT đề xuất được bán trọn lô cổ phần tại các công ty mẹ - tổng công ty bao gồm: TCT Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor), Cienco 6, Cienco 5, các công ty con của TCT Đường sắt Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cũng nhận xét, nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phần thường mong muốn nắm được tỷ lệ cao trong doanh nghiệp, từ đó mới có sự thay đổi về mặt quản trị một cách sâu sắc hơn. Việc cho đấu giá trọn lô là khâu quan trọng để tạo ra được sự thay đổi. Tại cuộc họp, đề xuất cho bán trọn lô khi cổ phần hóa đã nhận được sự tán thành của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và sự nhất trí cao của Thủ tướng.
 
Theo kế hoạch, năm nay cả nước cần phải hoàn thành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp Nhà nước. Tính đến tháng 4/2015, cả nước đã thoái vốn được gần 5.000 tỷ đồng. 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Thủ tướng đã phê duyệt 19 phương án, trong đó bổ sung 106 doanh nghiệp cổ phần hóa.
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”