1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chiều nay (30/6): Việt Nam và EU đã hoàn tất ký kết hiệp định thương mại EVFTA

(Dân trí) - Chiều nay (30/6), Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) đã được thực hiện, mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và cộng đồng các nước châu Âu (EU)

Chiều nay (30/6): Việt Nam và EU đã hoàn tất ký kết hiệp định thương mại EVFTA - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sau lễ ký kết

Ngay sau lễ ký Hiệp định EVFTA và IPA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu. Ông nhắc lại cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 tại Nhật ngày 29/6 và cho biết: "Tôi đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Khi đó ngài đã nhấn mạnh ngày 30/6 là ngày đặc biệt mang ý nghĩa lịch sử quan hệ Việt Nam - EU. Hiệp định mở ra chân trời mới cho sự phát triển của hai bên".

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đây là mốc son sau quá trình bắt đầu đàm phán và hoàn tất các thủ tục nhiều năm qua.

"EU với tầm nhìn hướng đông đã coi Việt Nam là đối tác, là quốc gia giàu tiềm năng, đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á. Việt Nam rất vui mừng hợp tác với EU-một nền văn minh tiên tiến, khối kinh tế phát triển để mở rộng hợp tác với 28 thành viên với EU", Thủ tướng nói.

Chiều nay (30/6): Việt Nam và EU đã hoàn tất ký kết hiệp định thương mại EVFTA - 2

Hiệp định EVFTA đã chính thức được ký 

Thời khắc ký kết Hiệp định EVFTA
Chiều nay (30/6): Việt Nam và EU đã hoàn tất ký kết hiệp định thương mại EVFTA - 3

Bà Cecilia Malmstrom - Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký kết hiệp định EVFTA

Bà Cecilia Malmstrom - Cao ủy  thương mại của Liên minh châu Âu cũng khẳng định, sự kiện ngày hôm nay chính là cột mốc quan trọng, thể hiện sự hợp tác lâu bền giữa hai bên. Bà tin tưởng rằng, hiệp định được thực thi sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp của cả Việt Nam và EU với 99% dòng thuế được xoá bỏ. Cùng với nhiều mặt hàng được hưởng lợi, hiệp định cũng sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư giữa hai bên.

“Việc phê chuẩn càng sớm thì càng mang lại lợi ích cho người dân, người lao động, người tiêu dùng càng lớn. Đây là tín hiệu gửi đi cho thế giới khi xu hướng bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nơi”, bà nói. Đồng thời, nhấn mạnh EU hướng tới người bạn châu Á, mong muốn đây là nền tảng cho sự hợp tác giữa các bên, hội nhập khu vực tăng lên.

"Với thế mạnh và sự đa dạng của các bên, hiện định này kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cao nhất, thu được lợi ích cao nhất, tăng trưởng nhiều nhất cho hai bên”, bà nói.

Chiều nay (30/6): Việt Nam và EU đã hoàn tất ký kết hiệp định thương mại EVFTA - 4

16h35, bà Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Romania phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Stefan-Radu Oprea  phát biểu tại lễ ký kết.

Ông Stefan Radu Oprea - Bộ trưởng Môi trường, Kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Rumani bày tỏ: "Đây là thời điểm mang tính lịch sử sau quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm. Có thể nói, hiệp định được ký kết là biểu tượng quan trọng trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay".

Ông Stefan Radu Oprea cho biết sẽ thúc đẩy quá trình phê chuẩn của 2 hiệp định nhằm mang lại thuận lợi cho cả 2 bên, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động, người tiêu dùng.

“Với hiệp định được ký kết, thuế và cả các hàng rào phi thuế quan đều được giảm, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường, mở cửa mua sắm khu vực công… Cùng với đó, EU đầu tư vào Việt Nam sẽ có sự gia tăng, doanh nghiệp EU đến Việt Nam nhiều hơn, coi Việt Nam là trung tâm quan trọng. Đây là sự khởi đầu, hợp tác mang đến lợi ích chung”, ông nhấn mạnh.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Việc ký kết các Hiệp định về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) ngày hôm nay là một sự kiện quan trọng đối với tất cả chúng ta, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU đã được khởi xướng từ năm 2012, phù hợp với định hướng phát triển vì sự thịnh vượng chung của 02 nền kinh tế, thể hiện sự ghi nhận và coi trọng của EU đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế với tư cách là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng cải cách để hội nhập".

"Đồng thời, các hiệp định được ký kết ngày hôm nay còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế giữa cộng đồng kinh tế ASEAN và EU cũng như góp phần phát triển kinh tế toàn cầu", ông nhấn mạnh.

Chiều nay (30/6): Việt Nam và EU đã hoàn tất ký kết hiệp định thương mại EVFTA - 5

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Phạm Chí Dũng phát biểu tại buổi lễ 

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, EVFTA và IPA là 02 Hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên. Việc ký kết các Hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà cả trong lĩnh vực thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, lao động, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế Việt Nam theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, thông lệ tốt của quốc tế, đặc biệt là của Liên minh Châu Âu. 

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò, tiềm năng của các nhà đầu tư EU về vốn, công nghệ, trình độ quản lý... Do vậy, Chính phủ Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, việc ký kết Hiệp định IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

"Theo đó, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội", ông nói. 

Chiều nay (30/6): Việt Nam và EU đã hoàn tất ký kết hiệp định thương mại EVFTA - 6

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu trước lễ ký kết 

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh nhắc lại, 15 năm trước đây bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu, các lãnh đạo Việt Nam và EU đã đi tới thống nhất 1 lộ trình, trong đó bước đầu là việc Liên minh châu Âu hỗ trợ Việt Nam ra nhập WTO và đi đến hiệp định EVFTA.

"Châu Âu là người bạn đầu tiên tin tưởng vào ý chí hội nhập của Việt Nam, và ít người khi đó tin tưởng 2 bên đạt được mục tiêu đầy tham vọng”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành công thương cũng đánh giá, việc hiệp định được ký kết ngày hôm nay khẳng định sự tăng cường hơn nữa quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU, làm sâu sắc hơn mối quan hệ về hợp tác thương mại, mang lại lợi ích cho hai bên.

"15 năm trc, Việt Nam chỉ chập chững bước vào hội nhập quốc tế, là đối tác thương mại nhỏ. Nay với kim ngạch gấp 10 lần, Việt Nam đã cùng EU bắt tay chuẩn bị vào giai đoạn mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, đặc biệt là phê chuẩn 2 hiệp định. Chặng đường này đòi hỏi nhiều nỗ lực”, ông nói và cho biết tin rằng, với sự nỗ lực hai bên sẽ hoàn tất trong thời gian sớm nhất, để hiệp định sớm đi vào hiệu lực.

Theo giới thiệu trước lễ ký, Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Romania phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Stefan-Radu Oprea sẽ đại diện cho EU ký kết EVFTA tại Hà Nội. Hiện Romania là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ được ủy quyền, đại diện Chính phủ Việt Nam ký vào bản Hiệp định lịch sử này.

Chiều nay (30/6): Việt Nam và EU đã hoàn tất ký kết hiệp định thương mại EVFTA - 7

15h55, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện EU bước vào hội trường, chuẩn bị cho lễ ký kết 

Mặc dù còn gần 1 giờ đồng hồ nữa mới diễn ra sự kiện nhưng đã có hàng trăm phóng viên, đại diện cho các hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài nước đã đến, chuẩn bị tường thuật sự kiện quan trọng này.

Chiều nay (30/6): Việt Nam và EU đã hoàn tất ký kết hiệp định thương mại EVFTA - 8

Không khí đang nóng lên trước sự kiện 

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

FTA thế hệ mới này không chỉ tạo điều kiện để nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp chúng ta tham gia chuỗi giá trị mới. Đồng thời, khi Hiệp định được thực thi, Việt Nam sẽ tranh thủ được nguồn vốn, khoa học kỹ thuật cao của thị trường EU. Điều này tạo cho vị thế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam được nhân lên nhiều lần.

Theo Bộ Công Thương, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể.

"Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)", Bộ Công Thương đánh giá.

Còn theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…

Bên cạnh đó, những cam kết về quản trị nhà nước sẽ đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư của cả hai bên nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ EU nói riêng.

Thông quan EVFTA và IPA, nhà đầu tư EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam với những đối xử ưu đãi hơn. Hiệp định này cũng giúp thúc đẩy quan hệ giữa EU với từng nước ASEAN nói riêng và cả khối ASEAN nói chung, tạo tiền đề hướng tới việc thảo luận một Hiệp định FTA giữa EU và ASEAN trong tương lai.

Trao đổi với báo chí trước thềm sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, EVFTA là hiệp định rất có ý nghĩa, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược về hội nhập của Việt Nam, bởi đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những tiêu chuẩn rất cao và có tính toàn diện mà cả EU và Việt Nam đã dồn công sức để đàm phán, hoàn tất thủ tục pháp lý để ký kết trong tháng Sáu này.

"Nếu thực thi và được hưởng những điều kiện mà đối tác dành cho Việt Nam thì chúng ta không chỉ nâng cao được kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều với các nước EU mà Việt Nam còn có điều kiện để tiếp tục hoàn thiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là có điều kiện hình thành chuỗi giá trị mới của chúng ta với một đối tác vô cùng quan trọng trên thế giới", Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành công thương khẳng định, châu Âu là đối tác quan trọng của Việt Nam cả về công nghệ, nguồn lực đầu tư … vì vậy, Việt Nam có quyền tin tưởng, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam- EU là mối quan hệ hợp tác rất căn bản, quan trọng trong chiến lược phát triển của hai bên.

"Cùng với các FTA khác như CPTPP hay RCEP và hệ thống các hiệp định thương mại tự do chúng ta đã có, chắc chắn EVFTA sẽ cộng hưởng và tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, giúp hướng tới sự phồn vinh, tiến bộ xã hội, cũng như tiến tới việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật để phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta", ông nhấn mạnh.

Dưới góc độ chuyên gia, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam vì những Hiệp định này tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vào các thị trường xuất khẩu lớn. Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi vì hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm giá.

Cùng với đó, những cam kết trong Hiệp định không chỉ nhằm giảm thuế mà còn liên quan tới các vấn đề khác như mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp đầu tư và quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng như hướng đến làn sóng cải cách tiếp theo.

Theo đó, những Hiệp định này được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho Việt Nam, tuy nhiên cần phải có những cải cách đi kèm nhằm đảm bảo hiện thực hóa những lợi ích này và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. 

Được khởi động từ tháng 6/2012, đến cuối năm 2015, Việt Nam và EU đã kết thúc quá trình đàm phán và tích cực thực hiện công tác rà soát pháp lý nhằm tiến tới sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đến tháng 9/2017, EU chính thức đưa ra một định dạng mới cho hiệp định sẽ ký kết với Việt Nam. EU đã đề xuất tách FTA thành 2 hiệp định độc lập là EVFTA và EVIPA.

Theo lịch trình, sau khi được ký kết, hai hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và nghị viện của 28 nước thành viên bỏ phiếu thông qua.

Theo đánh giá, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là 2 năm để EP và nghị viện của 28 quốc gia thành viên thông qua.

Cùng Dân trí nhìn lại những mốc thời gian chính xuyên suốt quá trình đàm phán, ký kết hiệp định:

Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật

Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:

- Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.

- Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

Tháng 8 năm 2018:Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.

Ngày 17 tháng 10 năm 2018:Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.

Ngày 30/6/2019: Hiệp định sẽ chính thức được ký kết tại Hà Nội.

Theo Bộ Công Thương, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).

Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).

Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Đồng thời những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.

Nhóm phóng viên kinh tế