1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Nhiều nguy cơ xấu “rình rập”

(Dân trí) - Các chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hội cho rằng, “không thể lơ là với tác động từ chiến tranh thương mại”. Đây là những ý kiến trong Hội thảo Chiến tranh thương mại: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất?.

“Tiên lượng” cho tình huống xấu nhất

Theo các chuyên gia kinh tế tại Việt Nam, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tiếp tục leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây và chưa cho thấy các dấu hiệu nhượng bộ của các bên.

Trong vòng hơn 3 tháng vừa qua, hai bên đã liên tiếp triển khai 3 gói áp thuế vào hàng hóa nhập khẩu của nhau và nâng quy mô áp thuế của các bên lên tới 360 tỷ đô la Mỹ với mức áp thuế bổ sung từ 5 - 25%.

Nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trao đổi về Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trao đổi về Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng mức độ áp thuế lên 25% vào ngày 1/1/2019 đối với nhóm hàng hóa trị giá 200 tỷ đô la Mỹ đã bị áp thuế 10% vào ngày 24/9/2018 và xem xét mở rộng áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu phía Trung Quốc không thực hiện các yêu cầu của phía Mỹ. Nhiều khả năng, những xung đột này sẽ tiếp tục kéo dài trong năm sau.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đến thời điểm hiện tại, với quy mô áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ đô la Mỹ của mỗi nước thì tác động tới Việt Nam là tương đối nhỏ do phạm vi các biện pháp hiện nay còn hạn chế, diện mặt hàng chịu tác động chưa nhiều

Trong tương lai gần nếu trường hợp chiến tranh thương mại leo thang, phạm vi thuế quan mở rộng ra toàn bộ kim ngạch song phương giữa Mỹ và Trung Quốc thì tác động tới kinh tế Việt Nam trở nên khá lớn, nhưng theo hướng có lợi cho Việt Nam nhiều hơn bởi nước ta có thể thay thế một phần đáng kể lưu lượng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, Việt Nam vẫn nên tiên lượng cho các tình huống xấu nhất.

“Về lâu dài, tác động tới kinh tế Việt Nam có thể rất đáng kể và theo hướng tiêu cực nhiều hơn lợi ích thu được do cuộc chiến thương mại tác động tới đầu tư khiến lòng tin của nhà đầu tư bị suy giảm, dòng vốn rút chạy khỏi các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam, chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn sâu, môi trường đầu tư và thương mại toàn cầu trở nên bất định hơn...”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Theo ông Thiên, chiến tranh thương mại có tác động cực kỳ lớn đới với Việt Nam đặc biệt là tỷ giá do nền kinh tế có độ mở. Mặc dù khu vực tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng chỉ mới chiếm 10% GDP và Việt Nam cần thay đổi tư duy về doanh nghiệp tư nhân.

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều nguy cơ xấu “rình rập”

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI Việt Nam cho biết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn ở các thị trường khác khi Trung Quốc giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác.

Việc cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng sẽ ngày càng căng thẳng hơn do hàng hóa Trung Quốc có khả năng cao sẽ đổ bộ mạnh vào Việt Nam. Chưa kể hàng hóa xuất sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính hàng hóa nội địa sẽ nhiều hơn.

Về dịch chuyển dòng vốn, bà Trang cho rằng Việt Nam cũng sẽ chịu nguy cơ “chuyển dịch giả mạo”, “gian lận thương mại” do Trung Quốc “mượn” thị trường để tránh thuế.

Thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại. Cụ thể là chịu ảnh hưởng từ mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 của Mỹ, cho phép Tổng thống Mỹ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.

Tổng thống Mỹ đã quyết định đánh thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ mọi khu vực vào Mỹ, quyết định trên đã có hiệu lực từ tháng 5/2018 và Việt Nam là một trong những nước phải chịu mức thuế suất này.

Ông Võ Minh Nhựt, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thép cho biết, trong hoàn cảnh nói trên, doanh nghiêp của ông đang cố gắng tạo ra các giá trị bằng cách giới thiệu công nghệ đột phá và các dòng sản phẩm mới tập trung vào xu hướng công nghệ xanh để có hướng đi khác biệt.

Ngoài ra, để tránh bị ảnh hưởng bởi các quy định áp thuế, doanh nghiệp này cũng cố gắng đa dạng các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới và tiềm năng như Châu Phi, Caribevà Nam Mỹ.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại chưa kết thúc, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng chia sẻ, doanh nghiệp sản xuất nên theo dõi tình hình, để có ứng xử kịp thời với từng biến động. Từ đó doanh nghiệp phải sẵn sàng hành động, chớp cơ hội như tìm hiểu khách hàng của các sản phẩm bị áp thuế là ai để tiếp cận chào hàng và chuẩn bị năng lực đáp ứng.

“Một điều quan trọng của doanh nghiệp cần lưu ý đó là “dĩ bất biến ứng vạn biến” nghĩa là củng cố những cái cố định như năng lực cạnh tranh, năng lực sáng tạo, năng lực kết nối để có thể thắng được những biến động lớn xung quanh, trong trường hợp này là chiến tranh thương mại”, bà Trang nói.

Đại diện nhiều doanh nghiệp đã đến tham dự hội thảo để rút ra bài học cho mình.
Đại diện nhiều doanh nghiệp đã đến tham dự hội thảo để rút ra bài học cho mình.

Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất vào thị trường Việt Nam trong đó có ngành nhựa của các doanh nghiệp Trung Quốc, nhằm giảm chi phí lao động đang tăng cao của “người hàng xóm” này. Do đó, một bộ phận nhỏ công nhân ngành nhựa Việt Nam hưởng lợi nhờ lương tăng do doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách tuyển dụng lực lượng lao động có tay nghề.

Người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận thêm nguồn cung sản phẩm nhựa với giá rẻ hơn, do doanh nghiệp Trung Quốc sẽ giảm giá để đẩy lượng tồn kho tại thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, doanh nghiệp nhựa trong nước sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng đầu tư để “đeo” nhãn mác của Việt Nam, nhằm tránh đòn thuế từ phía Mỹ.

Để bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước, ngoài những cố gắng từ phía doanh nghiệp, ông Lam cho rằng, Chính phủ cần xem xét việc đánh thuế nhập khẩu nếu có dấu hiệu bán phá giá. Đồng thời không cấp giấy phép đầu tư – giấy phép đăng ký kinh doanh cho những dự án sản xuất không đảm bảo thực hiện hơn 2/3 chuỗi qui trình sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài ra Chính phủ cũng nên thúc đẩy các hiệp ước tự do thương mại kiểu mới với châu Âu và các nước khác. Đó cũng là cách giảm thiểu rủi ro khi nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Đại Việt

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Nhiều nguy cơ xấu “rình rập” - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm