Lập nhóm online “đối phó” thách thức từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
(Dân trí) - Các doanh nhân trẻ của nhiều doanh nghiệp đã lập ra những hội nhóm trên mạng để chia sẻ kinh nghiệm “làm ăn” và đương đầu với những thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Đó là những thông tin thú vị được lãnh đạo Hội doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ trong buổi Trao đổi thông tin hoạt động của hội doanh nhân này.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TPHCM cho biết, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam gồm hơn 10.000 hội viên và các hội viên chủ yếu đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hội đã tổ chức nhiều buổi hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá những cơ hội và thách thức mà cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động đến các doanh nghiệp trẻ trong nước.
“Trước mắt, chúng tôi đã cố gắng đẩy mạnh kết nối với cộng đồng ASEAN và được sự đồng thuận của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương để ra mắt Hiệp hội doanh nhân trẻ ASEAN. Việc ra đời Hiệp hội doanh nhân trẻ ASEAN nhằm tạo ra sự cộng hưởng lớn hơn và tạo ra một sự “đối trọng” tốt hơn trong cuộc chiến thương mại này”, bà Huệ nói.
Theo bà Huệ, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đưa đến cho các doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội và cả những thách thức. Về cơ hội, với làn sóng thoái lui đầu tư từ phía Trung Quốc thì các nhà đầu tư có thể “chạy” sang Việt Nam. Đây là cơ hội mà các doanh nhân trẻ có thể tiếp nhận được.
Về thách thức, Việt Nam đang gần “người hàng xóm” rất lớn với sự phát triển mạnh mẽ, chi phí sản xuất rẻ. Nếu hàng hóa từ Trung Quốc không thể xuất sang thị trường Mỹ thì hàng hóa rất có thể sẽ “chạy” sang Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp không nắm bắt được xu thế thì có khả năng sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của “người hàng xóm” đổ bộ vào trong nước từ phía Bắc.
Cũng theo bà Huệ, từ giờ đến cuối năm, hội doanh nhân trẻ cũng sẽ tăng cường chia sẻ với các doanh nghiệp về kinh nghiệm khi ra “làm ăn” nước ngoài, cũng như tiếp nhận những làn sóng đầu tư mới.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải "đối mặt" với các sản phẩm “đội lốt” đến từ Trung Quốc. Hàng hóa của nước này có thể sẽ qua Việt Nam cho "có lệ" rồi xuất sang thị trường Mỹ với dòng chữ "made in Viet Nam". Nếu kiểm soát không kỹ và thiếu cẩn trọng thì doanh nghiệp Việt rất dễ mang "tai tiếng" và chịu sự trừng phạt từ Mỹ.
Trao đổi về vấn đề này, vị Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, hiện nay, các doanh nhân đã lập ra nhiều hội nhóm trên mạng xã hội để có thể tương tác với nhau mỗi ngày. Chính vì việc hàng hóa rất đa dạng và có những đặc thù, yêu cầu pháp lý khác nhau nên các doanh nhân sẽ chia ra thành những cộng đồng nhỏ trên mạng nhằm dễ dàng trao đổi kinh nghiệm với nhau như: cộng đồng logistics, cộng đồng nông nghiệp….
Cũng theo bà Phạm Thị Bạch Huệ, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường “khổng lồ” nên các doanh nghiệp đều muốn nhắm đến nhưng các doanh nghiệp phải biết làm như thế nào, cần biết đối tác đó là ai để có giải pháp “phòng ngự” cho hàng hóa của mình an toàn. Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng và các doanh nghiệp Việt không ngại gì mà không tận dụng cơ hội để đi vào thị trường này.
Đại Việt