Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có định hình lại thị trường bất động sản Việt Nam?

(Dân trí) - Việt Nam vốn có quan hệ chặt chẽ về thương mại với cả hai cường quốc và lại có vị trí đặc biệt, giáp biên giới với Trung Quốc. Năm 2018 thị trường cũng ghi nhận bước đầu các nhà máy gia công dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và tạo nên những tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản công nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trả lời phỏng vấn kênh thông tin Batdongsan.com.vn, tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết bất động sản (BĐS) công nghiệp và mặt bằng bán lẻ sẽ là hai phân khúc có nhiều tiềm năng phát triển tốt nhất. Về BĐS công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc và nhà đầu tư Trung Quốc sẽ có xu hướng dịch chuyển nhà máy, công xưởng sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Riêng về mặt bằng bán lẻ thì thị trường tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng rất tốt trong 10 tháng đầu năm, khoảng 11,4%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì nó vẫn tăng ở mức khoảng 8,8%. Đây là mức cao nhất trong 5 năm vừa qua. Năm nay, tiêu dùng cá nhân Việt Nam tương đương với khoảng 6-8% GDP. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra việc dịch chuyển đầu tư vào những nước láng giềng lân cận Trung Quốc như Việt Nam sẽ mang lại một tiềm năng lớn.

Cũng theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, BĐS nhà ở cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định, từ phân khúc cao cấp dành cho người nước ngoài đến phân khúc giá rẻ dành cho công nhân, người lao động ngoại tỉnh, đặc biệt là ở các địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp.

Xét riêng về yếu tố địa lý, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho biết thêm, BĐS công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam sẽ chịu biến động lớn hơn vì miền Bắc rất gần Trung Quốc, thuận lợi cho việc dịch chuyển nhà xưởng. Một số tỉnh thành miền Bắc Việt Nam như Hải phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang hay Hưng Yên sẽ là điểm dừng chân của làn sóng dịch chuyển này. Theo ghi nhận của Kênh thông tin Batdongsan.com.vn, thị trường BĐS ở Bắc Ninh và Bắc Giang, Hà Nam cũng sôi động hơn trong vài tháng vừa qua, một số dự án gần các khu CN có lượng giao dịch và giá bán tăng khoảng 10%-20%.

Trong tương lai, thị trường bất động sản phía Bắc sẽ sôi động hơn so với trước và có thể sẽ tập trung ở các tỉnh lân cận Hà Nội. Sự phát triển của các khu công nghiệp, BĐS công nghiệp tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển của BĐS nhà ở và thương mại ở các địa bàn này.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có định hình lại thị trường bất động sản Việt Nam? - 1

Theo nhiều dự báo, 2019 là năm sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho ngành BĐS Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp nắm được bản chất của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xử lý được các biến động nhất định về tăng lãi suất và tỷ giả.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung và cơ hội phát triển của thị trường BĐS Việt Nam sẽ là một trong những nội dung sẽ được các chuyên gia, người đứng đầu của các doanh nghiệp BĐS Việt Nam chia sẻ và phân tích trong khuôn khổ Hội nghị Bất động sản Việt Nam - VRES 2018. Đây là sự kiện thường niên và uy tín hàng đầu ngành BĐS Việt Nam với những nội dung đang hết sức được quan tâm như “Các xu hướng công nghệ của ngành bất động sản trong kỷ nguyên số”; “Sự hình thành các siêu đô thị Châu Á: Câu chuyện về năm thành phố thông minh”; “Big data – Dữ liệu lớn tác động thế nào đến sự phát triển của các doanh nghiệp bất động sản”. Ngoài ra, VRES 2018 cũng sẽ tiết lộ những dữ liệu quan trọng chưa được công bố trong “Báo cáo thị trường BĐS Việt Nam qua các chỉ số của Batdongsan.com.vn”.

VRES 2018 được tổ chức bởi kênh thông tin Batdongsan.com.vn lần lượt tại Tp. Hồ Chí Minh (Sheraton Sài Gòn) vào ngày 6/12 và tại Hà Nội (JW Marriott) vào ngày 12/12.

H. Đào