1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chia nhau 3.000 tỷ đồng: Cả làng xây nhà lầu, sắm ô tô

Sau bài học cay đắng, từ năm 2007, người dân Lục Ngạn bắt đầu đi vào con đường sản xuất chuyên nghiệp, cùng với đó là làm thương hiệu. Đó như là một cuộc cách mạng làm lại từ đầu của cây vải Lục Ngạn. Kết quả, sau hành trình gần 10 năm, Lục Ngạn thành vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với nguồn thu 3.000 tỷ mỗi năm. Nhờ đó, các gia đình nơi đây đã dư sức xây nhà lầu, mua ô tô. Đó là một giấc mơ đổi đời có thật.

Nông dân cầm bút vở học ghi chép

Rút ra được những bài học xương máu sau cuộc khủng hoảng giá vải giai đoạn 2003-2007, bước sang năm 2008, lãnh đạo huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã quyết định làm lại từ đầu, hay nói cách khác là tái cơ cấu ngành vải thiều. Huyện quyết đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phá thế độc canh, áp dụng mô hình VietGap vào sản xuất, đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý. Năm 2008, vải Lục Ngạn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, chuyển sang xây dựng thương hiệu hàng hoá để nâng cao năng suất chất lượng cũng như hiệu quả cho cây vải thiều.

Theo lời ông Lê Bá Thành - Phó Chủ tịch huyện Lục Ngạn, không chỉ quyết liệt trong chiến lược, huyện ủy còn cử cán bộ khuyến nông xuống tận thôn, xã hướng dẫn và làm cùng dân. Cũng may, người dân khá hợp tác, bắt đầu chuyển đổi sang mô hình VietGap và GlobalGap.


Trải qua thời kỳ vải rớt giá thê thảm, dân Lục Ngạn quyết tâm làm vải đạt tiêu chuẩn xuất Mỹ, Nhật,... (ảnh: B.Hân)

Trải qua thời kỳ vải rớt giá thê thảm, dân Lục Ngạn quyết tâm làm vải đạt tiêu chuẩn xuất Mỹ, Nhật,... (ảnh: B.Hân)

Anh Nguyễn Văn Lưu, một hộ trồng vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất đi Mỹ ở thôn Kép 1 (Hồng Giang, Lục Ngạn), cho biết, mấy năm nay anh anh đã thành thục hơn, chứ trước kia thấy rườm rà phức tạp. Bởi, anh và nhiều hộ dân khác ở đây vốn quen với việc trồng vải kiểu truyền thống, tức là giữa vụ bón phân, cây bị sâu thì phun thuốc - rất đơn giản.

Từ bé đến lớn đều làm nông, bảo cầm cuốc cầm cày còn thạo chứ bảo cầm bút vở ghi chép thì chẳng ai muốn làm. Song, suy đi tính lại thấy, nếu không thay đổi cách trồng, không làm được hàng hóa đạt chuẩn thì vải thiều thu hoạch bị sâu bệnh, mẫu mã không đẹp lại bị thương lái ép giá. Như năm 2003-2007, nhìn cảnh vải thiều bán giá rẻ mà ứa nước mắt vì tiếc bao nhiêu công sức mình đã bỏ ra - anh Lưu tâm sự.

Đưa chúng tôi xem quyển sổ ghi chép với những nét chữ nguệch ngoạc, anh Lưu cho hay, tất cả kiến thức đều được chép đầy đủ trong cuốn sổ này. Ngoài ra, anh còn phải ghi nhật ký chăm sóc rất kỹ. Ví như ngày nào bón phân, bón loại phân nào, lượng bón bao nhiêu mỗi gốc, ngày nào tưới nước, ngày nào cắt tỉa cành, cây ra hoa ngày nào, rồi phun thuốc bảo vệ thực vật (chỉ phun loại thuốc cho phép) vào ngày nào, thời gian cách ly bao nhiêu ngày...

Phá bỏ thế độc canh của cây vải thiều, chuyển một phần diện tích sang ccác cây có múi và cây ăn quả khác (ảnh: B.Hân)
Phá bỏ thế độc canh của cây vải thiều, chuyển một phần diện tích sang ccác cây có múi và cây ăn quả khác (ảnh: B.Hân)

Cách làm vườn cũng thay đổi. Trước, anh cứ thả gà đầy vườn nuôi kèm, giờ thì phải để vườn thông thoáng, không thả gà, vịt để đảm bảo cây không bị sâu bệnh, hạn chế được việc dùng thuốc.

“Không chỉ mình tôi học cách ghi chép đâu. Các hộ dân toàn thôn Kép này cũng đều làm vậy để vải thiều đạt tiêu chuẩn GlobalGap - tức vải xuất được đi Mỹ”, anh nói.

Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Hồng Giang cũng cho hay, nhà bà khi đó được chọn là hộ trồng vải xuất đi Nhật. Suốt quá trình chăm sóc, bà cũng phải ghi nhật ký theo yêu cầu của doanh nghiệp.

“Những năm bắt đầu làm, tôi nghĩ thôi cứ làm chuẩn theo yêu cầu của họ, mình chẳng mất gì. Đến vụ, nếu doanh nghiệp về thu mua xuất đi Nhật thì được giá cao, còn không bán thì bán ra chợ cũng không ế do quả vải đều đẹp, đặc biệt lại tuyệt đối an toàn. Như vậy là cầm chắc thắng”, bà tâm sự.

Thu hơn 3.000 tỷ đồng, dân Lục Ngạn đổi đời

Kiên trì suốt gần một thập kỷ, quả vải thiều tươi cuối cùng cũng được thị trường Mỹ, Úc, Nhật mở cửa đón nhận. Đến năm 2015, những quả vải thiều tươi đầu tiên đã xuất sang hàng loạt thị trường khó tính. Các doanh nghiệp cũng đổ về vùng Lục Ngạn đặt mua vải thiều xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tại thị trường nội địa, vải thiều cũng đã đặt chân được vào các hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam, mở rộng được thị trường vào các tỉnh phía Nam.

Sau gần một thập kỷ, quả vải thiều đã xuất được vào Mỹ, Nhật, Thái Lan,... tạo được thương hiệu riêng cho loại cây đặc sản trên vùng đất đồi núi này
Sau gần một thập kỷ, quả vải thiều đã xuất được vào Mỹ, Nhật, Thái Lan,... tạo được thương hiệu riêng cho loại cây đặc sản trên vùng đất đồi núi này

Theo ông Lê Bá Thành, dù năm 2015, sản lượng vải xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật chưa nhiều, song, đó là cơ sở buộc thương nhân Trung Quốc phải trả giá cao hơn khi thu mua vải.

Không chỉ thành công khi đưa trái vải tươi vào những thị trường khó tính, diện tích vải thiều cũng giảm dần từ 22.000ha năm 2007 xuống còn 16.000ha như hiện tại. Trong đó, diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap chiếm khoảng 11.000ha. Ngoài ra, diện tích vải, huyện Lục Ngạn còn có khoảng 10.000 ha trồng các loại cây có múi, táo, nhãn,... trở thành vựa cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với doanh thu từ cây ăn quả hàng năm đạt trên 3.000 tỷ đồng.

“Đến giờ có thể nói là thành công, bởi 3 năm trở lại đây giá vải luôn ổn định ở mức cao, các cây ăn quả khác cũng đạt chất lượng”. Ông Thành cho biết, người dân Lục Ngạn giờ thực sự có một cuộc sống giàu có nhờ trồng cây ăn quả. Trong đó, nhiều hộ có thu nhập lên tới vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm.


Người dân Lục Ngạn cũng đổi đời, thành những triệu phú, tỷ phú. Họ xây được những ngôi nhà cao tầng, mua được xe hơi, xe máy,... (ảnh: B.Hân)

Người dân Lục Ngạn cũng đổi đời, thành những triệu phú, tỷ phú. Họ xây được những ngôi nhà cao tầng, mua được xe hơi, xe máy,... (ảnh: B.Hân)

Thế nên, giờ đây về vùng Lục Ngạn, chẳng còn thấy nhà tranh vách đất, thay vào đó là nhà lầu xe hơi. Người dân trước kia toàn vào ngân hàng vay tiền thì giờ ngược lại, họ vào ngân hàng để gửi tiền nhiều hơn.

Không dám nhận mình là tỷ phú, anh Lưu chỉ khoe, từ khi làm vải theo tiêu chuẩn xuất Mỹ, doanh nghiệp tìm đến tận vườn thu mua nên năm nào cũng thắng lới. Như năm ngoái, vải mất mua kỷ lục, song gia đình anh vẫn thu được 700 triệu đồng.

Chỉ vào ngồi nhà 2 tầng vẫn còn mùi sơn mới, anh Lưu tiết lộ: “Ngôi nhà này xây hết gần tỷ bạc. Tiền xây nhà đều là tiền bán vải thiều”.

Vui nhất là anh Bùi Đức Long - một hộ dân trồng cam đường canh và cam lòng vàng ở thôn Phú Giang (Hồng Giang). Bởi, vào dịp cận Tết, sau khi thu hoạch hết 5ha cam với sản lượng trên 100 tấn, anh thu được 3,5 tỷ đồng. Trừ đi tất cả chi phí, anh còn dư ra 1,5 tỷ đồng.

Đút túi một khoản tiền lớn như vậy sau một vụ cam, thế nhưng anh Long vẫn tự nhận mình chỉ có thu nhập bình thường ở xã này, không ăn nhằm gì.

“Dân ở đây trồng cây ăn quả giàu lắm, toàn thu tiền tỷ. Nhà nào cũng nhà lầu 2-3 tầng xây to như biệt thự giữa vườn đồi. Nhiều nhà còn sắm xe hơi xịn. Trồng cây ăn quả, nhất là cây vải, đã giúp người nông dân đổi đời, thành giàu có như bây giờ”, anh nói.

Theo Bảo Hân
VietnamNet

Chia nhau 3.000 tỷ đồng: Cả làng xây nhà lầu, sắm ô tô - 5

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm