Lâm Đồng:
Cả làng “phất” lên nhờ làm hồng treo đặc sản
(Dân trí) - Những trái hồng được treo trong nhà kính, qua thời gian từ 20 -30 ngày, trái hồng sẽ co lại dần do mất nước nhưng vẫn giữ lại được lượng đường bên trong. Khi thưởng thức, người ăn sẽ cảm nhận được vị dai ở lớp vỏ bên ngoài, độ dẻo và ngọt thanh bởi mật đường bên trong trái hồng.
Vào khoảng tháng 9, khi những trái hồng bắt đầu chín ngả vàng thì người dân tại TP Đà Lạt bắt đầu chuẩn bị cho những vụ làm hồng treo - một loại đặc sản nức tiếng ở thủ phủ Đà Lạt, Lâm Đồng.
Những trái hồng được treo trong nhà kính, qua thời gian từ 20 - 30 ngày, hồng sẽ co lại dần do mất nước nhưng vẫn giữ lại được lượng đường bên trong. Khi thưởng thức, người ăn sẽ cảm nhận được vị dai ở lớp vỏ bên ngoài, độ dẻo và ngọt thanh bởi mật đường bên trong trái hồng.
Đến thôn Đất Làng, xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) từ xa xa đã thấy những vườn hồng sai trĩu quả chín vàng rực cả một vùng trời. Tiến lại gần hơn một chút, mọi người sẽ dễ dàng cảm nhận được vị ngọt như mật của những trái hồng treo.
Một cây hồng trưởng thành có thể cho tới vài tạ hồng, trái hồng chín giá bán khoảng 10.000 - 18.000 đồng/kg tùy loại. Đặc biệt, trái hồng tươi không để được lâu, dễ hư hỏng nên giá cả và thị trường cũng bấp bênh.
Nhận thấy được điều này, những năm trở lại đây người dân thôn Đất Làng đã tìm hiểu và áp dụng phương pháp sấy hồng có thể lưu trữ được lâu và giá cũng ổn định hơn. Đến nay, thôn Đất Làng, Xuân Trường nơi làm nhiều hồng treo nhất tại Lâm Đồng và cũng là vùng đất trồng hồng lớn nhất nhì tỉnh.
Gia đình anh Mai Xuân Long (thôn Đất Làng, Xuân Trường, Đà Lạt) là một trong những gia đình sản xuất hồng treo nhiều nhất trong vùng. Hai năm trở lại đây, gia đình anh cũng bắt đầu làm hồng treo, ngoài lượng hồng trong vườn của gia đình anh còn mua thêm của nhiều hộ khác để làm.
Anh Long cho biết, sau khi thu hoạch về trái hồng sẽ được vặt hết tai xung quanh cuống, rửa sạch rồi gọt vỏ. Bước tiếp theo cần đưa hồng vào phòng vô khuẩn và xử lý bằng than, nhiều nhà có cách xử lý bằng điện và gas. Cuối cùng là đem hồng ra treo và đưa vào nhà kính.
Trái hồng treo đủ thời gian, đạt chuẩn thì người dân sẽ hạ giàn, đóng gói sau đó hút chân không và đưa vào hộp giấy, mang đi tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ chính là các tỉnh, thành như TPHCM, Khánh Hòa …và các khu du lịch ở Lâm Đồng.
“Trái hồng lớn thì treo trong khoảng 30 ngày, trái nhỏ thì treo 20 ngày. Tùy vào thời tiết, nếu nắng đẹp thì trái hồng sẽ đẹp và lên màu đỏ tía. Nếu thời tiết âm u, thiếu nắng thì hồng treo sẽ không thoát được nước gây rụng cuống coi như hỏng. Đặc biệt, trong quá trình làm hồng, người ra vào nhà kính phải được khử trùng tuyệt đối, tránh vi khuẩn xâm nhập vào trong ”, anh Long chia sẻ thêm.
Sau khi làm ra thành phẩm hồng treo, nhận thấy giá cả cũng chưa ổn định và bấp bênh, anh Long nảy ra ý định thành lập HTX để liên kết, xây dựng, phát triển và giữ gìn thương hiệu hồng Đà Lạt.
Hiện nay, HTX hồng treo của anh Long có 32 xã viên. Hàng năm, người dân thôn Đất Làng làm hồng treo từ hằng trăm tấn hồng tươi, đến nay HTX đã thành lập được khoảng 7 tháng và đăng kí thương hiệu độc quyền về sản phẩm hồng treo.
Dự tính, năm nay gia đình anh Long sẽ làm ra khoảng 2 tấn hồng treo thành phẩm, với giá bán từ 300 - 320 nghìn/kg, sau khi trừ hết chi phí anh thu về khoảng 300 triệu đồng.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng mở lớp dạy nghề, chuyển giao công nghệ làm hồng treo an toàn cho người dân ở trong thôn Đất. Đến nay, bà con đều đã sản xuất thành công và tạo nhiều việc làm cũng như cho thu nhập ổn định.
Ngọc Hà