Cả làng nổi lửa: Trắng đêm luộc 10 vạn chiếc bánh chưng Tết
Thời điểm cuối năm, cả làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, Phú Lương, Thái Nguyên) bán ra thị trường khoảng 10 vạn chiếc bánh, thu nhập cả làng nghề lên đến hàng tỷ đồng.
Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu ra đời đã hơn 50 năm, được mệnh danh là một trong năm làng nghề bánh chưng nổi tiếng nhất khu vực phía Bắc. Ở làng giờ có hơn 50 hộ dân tham gia làm nghề, trong đó có 21 hộ gói bánh, còn lại là nhập bánh về để bán cho khách thập phương ghé qua.
Bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu, chia sẻ: "Đây là làng nghề bánh chưng truyền thống, cha truyền con nối, người này truyền nghề cho người kia, đến nay cả làng ai cũng biết làm bánh chưng. Bánh chưng Bờ Đậu có tiếng là thơm, ngon, dẻo và đảm bảo an toàn. Đó là vì chúng tôi luôn có ý thức trong việc lựa chọn những nguyên liệu ngon nhất, đảm bảo an toàn nhất từ gạo nếp, đậu, thịt, lá dong,... ".
Bà Liên tiết lộ, gạo nếp để gói bánh chưng Bờ Đậu thường được các hộ dân lựa chọn là nếp cái hoa vàng ở Hưng Yên, nếp Vải ở huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Năm nay, phần lớn mọi người sử dụng gạo nếp Thầu Dầu ở huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Được người dân địa phương gọi là ả Thầu Dầu, loại nếp này có hương vị thuần khiết, nhất là khi gạo được phơi đủ nắng, không gãy, nát và có mùi thơm đặc trưng của gạo mới. Bánh chưng được làm từ loại gạo nếp này có vị đậm, dẻo, người ăn không có cảm giác nhanh ngán.
Đỗ làm nhân bánh được bà con chọn từ loại đậu xanh nguyên lõi, vàng tươi và có vị thơm tự nhiên. Kèm theo đó là thịt lợn ba chỉ săn chắc, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được ướp với hạt tiêu thơm lừng và gói bằng lá dong xanh" - bà Liên chia sẻ về nguồn nguyên liệu làm nên bánh chưng Bờ Đậu.
Một hộ sản xuất bánh chưng Bờ Đậu đang tất bật hoàn thành các đơn hàng cuối năm
Theo bà Liên, điều đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho làng nghề bánh chưng Bờ Đậu đó là nguồn nước. Nước ở xã Cổ Lũng khi luộc bánh cho màu sắc bắt mắt, bánh dẻo, thơm hương vị khác lạ không nơi nào có được.
"Có lần chúng tôi mang bánh đi dự hội chợ ở thành phố Thái Nguyên, tất cả nguyên liệu từ gạo, đỗ, thịt đều chuẩn bị như bình thường, chỉ có nước là không mang theo được nên phải dùng nước ở dưới này để luộc bánh. Khi vớt bánh ra, tất cả đều ngỡ ngàng bởi bánh ngả sang màu đỏ sẫm, khác xa với màu xanh non khi đun bằng nước tại Bờ Đậu" - bà Liên nhớ lại.
Ngoài ra, khác với những làng nghề bánh chưng khác, bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn để gói mà tất cả đều được gói bằng tay.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, một hộ kinh doanh bánh chưng lớn nhất nhì trong vùng, cho hay: Việc gói bằng tay có thể điều chỉnh để chiếc bánh thật chặt. Bánh gói chặt tay khi luộc sẽ không bị méo mó mà vuông thành sắc cạnh, dền bánh, có mùi thơm nồng.
Ngày đêm làm bánh, Tết thu tiền tỷ
Về làng nghề bánh chưng Bờ Đậu những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ rệt không khí ngày Tết khi dưới sân, trong nhà, trên bàn la liệt là bánh chưng. Những chiếc phản gỗ, bàn inox được ngả ra để mọi người cùng gói bánh. Cạnh đó là những nồi bánh chưng đang luộc bốc hơi nghi ngút.
Ai nấy đều tất bật hoàn thành các đơn hàng để kịp chuyển đi khắp vùng miền đất nước. Nhiều hộ sản xuất bánh phải thuê thêm nhân công trong vùng với thù lao từ 200.000-400.000 đồng/ngày để giao hàng đúng hẹn.
Theo bà Nguyễn Bích Liên, trung bình mỗi ngày, một hộ dân ở đây bán được từ 100 đến 150 chiếc bánh. Số lượng này tăng lên gấp đôi, gấp ba vào dịp gần Tết do nhu cầu mua bánh làm quà Tết, hội họp cuối năm và đặc biệt là để cúng gia tiên ngày Tết.
Bà Nguyễn Bích Liên - Trưởng làng nghề bánh chưng Bờ Đậu
Tùy thuộc vào loại bánh và kích thước, giá bánh chưng Bờ Đậu dao động từ 20.000-60.000 đồng/chiếc. Thường thì, bánh nhỏ được các trường học đặt hàng có giá 20.000 đồng, còn những chiếc bánh cỡ lớn để thờ cúng, làm quà biếu có giá 50.000-60.000 đồng mỗi chiếc.
"Năm nay số đơn hàng tăng nhiều, với lượng bánh chưng tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm hiện tại, tính sơ bộ, các hộ dân bán ra thị trường khoảng hơn 10 vạn chiếc, thu nhập cả làng nghề lên đến hàng tỷ đồng".
Không chỉ đem lại thu nhập cho các hộ dân làng nghề, dịp cuối năm, nhiều lao động ở ngoài làng cũng tìm đến làm thêm, kiếm chút thu nhập để chuẩn bị đón cái Tết đầy đủ hơn.
Bà Hải (70 tuổi) người dân xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tâm sự: "Gia đình tôi sinh sống chủ yếu dựa vào trồng lúa nước, chăn nuôi lợn, gà. Cuối năm, tranh thủ thời gian nhàn rỗi tôi đến làng nghề bánh chưng Bờ Đậu để làm thêm. Công việc của tôi khá nhẹ nhàng là làm nhân bánh, mỗi ngày tôi nhận được 200.000 đồng tiền công, thêm chút tiền đón Tết vui vẻ hơn".
Theo vị Trưởng làng nghề bánh chưng Bờ Đậu Nguyễn Bích Liên, nhờ sản xuất và kinh doanh bánh chưng mà nhiều hộ dân ở đây khấm khá, thu nhập tăng đáng kể. Nhiều gia đình xây được nhà cao, cửa rộng, cho con cái ăn học ở những trường danh tiếng. Không như trước đây, khi chưa phát triển nghề này, không ít gia đình sống trong cảnh nhà tranh vách nứa, cơm không đủ ăn, con cái bỏ học giữa chừng.
Để tiếp tục phát triển thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu, theo bà Liên, thời gian tới, Ban quản lý làng nghề sẽ mở các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm và cấp chứng chỉ cho những hộ dân hoàn thành các khóa học. Làng cũng sẽ tiếp cận các khoản vốn vay để đầu tư cơ sở vật chất, làm sao làng nghề có môi trường làm việc khang trang hơn, sạch đẹp hơn.
Điểm khác biệt của bánh chưng Bờ Đậu so với các làng nghề khác là hoàn toàn được gói bằng tay, không cần sử dụng khuôn
Nhân bánh được làm từ đỗ xanh nguyên lõi, có màu vàng tươi
Những ngày cuối năm, các lò bánh của làng nghề Bờ Đậu đỏ lửa ngày đêm
Mỗi chiếc bánh có giá dao động từ 20.000-60.000 đồng
Các lao động tham gia làm thêm như gói bánh, nặn nhân, rửa lá,... được trả thù lao từ 200.000-400.000 đồng/ngày
Ban quản lý làng nghề đang tiếp cận các nguồn vay vốn để nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện làm việc
Theo: Nam Phương
Vietnamnet