1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chi phí logistics ở Việt Nam cao gấp đôi các nước phát triển

Nhân Cơ

(Dân trí) - Chi phí liên quan logistics tại Việt Nam tương đương khoảng 20% GDP, trong khi tỷ lệ tương ứng ở các nước phát triển chỉ khoảng 7-9% GDP.

Theo bảng xếp hạng do tập đoàn logistics toàn cầu Agility thực hiện, Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được tổ chức này dự báo đạt 5,5%. Trên thực tế, các ông lớn toàn cầu trong ngành logistics cũng đều đã hiện diện ở Việt Nam.

Theo ông Chih Cheung, thành viên đối tác đồng sáng lập công ty SEA Logistic Partners (SLP) Việt Nam, một doanh nghiệp thành viên của tập đoàn toàn cầu về cơ sở kho vận GLP, Việt Nam đang sở hữu 4 lợi thế lớn để phát triển mạnh ngành logistics gồm cơ cấu dân số trẻ, các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều đang phát triển thuận lợi, có nhiều hiệp định thương mại tự do sâu rộng, chính sách hỗ trợ ổn định của Chính phủ.

Tuy nhiên, chi phí liên quan logistics tại Việt Nam vẫn còn rất cao, tương đương khoảng 20% GDP. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ tương ứng chỉ khoảng 7-9% GDP. Do đó, ngành logistics Việt Nam còn rất nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả. Nhận định trên được ông Cheung đưa ra tại diễn đàn về logistics được tổ chức ngày 19/10 dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Chi phí logistics ở Việt Nam cao gấp đôi các nước phát triển - 1

Toàn cảnh diễn đàn về logistics do VCCI chỉ đạo tổ chức ngày 19/10 (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp).

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Lê Huy Hiệp nhận định với hơn 90% doanh nghiệp đang kinh doanh trong ngành logistics có quy mô vừa và nhỏ, việc ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của ngành còn nhiều hạn chế. Sự thiếu chuyên nghiệp, mức độ tự động hóa còn thấp, năng suất thực hiện dịch vụ còn thấp cũng là những điểm yếu của các doanh nghiệp logistics trong nước.

Trong khi đó, Phó chủ tịch thường trực VLA Đào Trọng Khoa nhìn nhận dù logistics đã được xác định là ngành dịch vụ then chốt, sự quan tâm của các bộ ngành, địa phương vẫn chưa tương ứng. Để hỗ trợ lĩnh vực quan trọng này của nền kinh tế, ông Khoa đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục phát triển chương trình hành động quốc gia về logistics trong giai đoạn mới.

Trong đó, quy hoạch tổng thể phát triển ngành tích hợp là một trong những giải pháp quan trọng để tạo ra nền tảng phát triển dài hạn cho ngành logistics. Đại diện VLA cũng mong muốn quỹ phát triển công nghệ quốc gia có chương trình đặc biệt cho ngành logistics.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm