Cảng lớn nhất Việt Nam làm sao để bớt ùn tắc?
(Dân trí) - Dự báo đến năm 2030, số lượng container đi qua cảng Cát Lại tại TPHCM sẽ cao gấp đôi so với hiện nay. Nếu không sớm có giải pháp, tình trạng quá tải ở cảng lớn nhất Việt Nam sẽ càng nghiêm trọng.
Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ vừa công bố báo cáo nghiên cứu về các thách thức và khuyến nghị để cải thiện hoạt động thương mại, logistics tại khu vực cảng Cát Lái và lân cận TPHCM.
Mặc dù hoạt động tương đối tốt, cảng Cát Lái được đánh giá phải đối mặt với tình trạng bị quá tải, làm suy giảm hoạt động kinh tế của cả khu vực xung quanh. Nghiên cứu dự đoán số lượng container đi qua cảng Cát Lái vào năm 2030 sẽ cao gấp đôi so với hiện nay, gây áp lực rất lớn lên hệ thống, cơ sở hạ tầng hiện tại.
Một trong những thách thức lớn là tình trạng ùn tắc giao thông quanh cảng. Trung bình hàng ngày có khoảng 16.400 xe tải tới cảng Cát Lái, mỗi xe có thể phải chờ 2-3 giờ trước khi tới cổng, gây ùn tắc giao thông dọc các tuyến đường dẫn vào cảng. Nếu xếp thành một hàng, 16.400 xe tải đến cảng mỗi ngày sẽ trải dài tới 322 km.
Ngoài ra, dù hiện tại các hoạt động nghiệp vụ hải quan đang hoạt động khá tốt, việc số lượng container ước tính tăng gấp đôi vào năm 2030 sẽ gây sức ép lên hệ thống. Một số bất cập được liệt kê gồm hệ thống xử lý trước khi hàng đến không đầy đủ, chậm trễ thanh toán cho hãng tàu, vẫn có lĩnh vực phải sử dụng cả quy trình điện tử và thủ công.
Song song đó, khi thương mại của Việt Nam phát triển, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng, xu hướng của các hãng vận tải là sử dụng tàu có công suất chuyên chở lớn hơn. Các tàu lớn sẽ vượt khả năng tiếp nhận của cảng Cát Lái, đồng thời kéo theo lưu lượng container và sà lan cùng tăng, có thể gây quá tải cho cảng và hệ thống xung quanh.
Từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứu do USAID tài trợ khuyến nghị nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải của cảng Cát Lái, tập trung vào 3 nhóm chính.
Thứ nhất là những cải tiến kỹ thuật, chi tiết, thiết thực, có thể làm ngay và mang lại hiệu quả như thành lập các bãi chờ gần cảng cho xe tải để giảm ùn tắc. Song song đó, việc mở rộng số lượng làn ở cổng và các điểm đỗ xe trước cổng tương ứng có thể giúp hạ nhiệt tình trạng ùn ứ ngay mà không cần đầu tư nhiều. Ngoài ra, cần có các làn đặc biệt cho xe chở container rỗng, "làn nhanh" cho các container đã được thông quan trước và "làn có vấn đề" cho các container cần phải thanh toán hoặc kiểm tra.
Thứ hai là nhóm giải pháp về áp dụng công nghệ, khai thác dữ liệu. Một số kiến nghị cụ thể bao gồm bố trí thiết bị công nghệ tại cổng cảng để tự động nhận diện biển số xe tải, số hiệu container, tình trạng hư hỏng vỏ container, lắp đặt camera để truyền hình ảnh video theo thời gian thực về điều kiện giao thông trên các tuyến đường dẫn vào cảng, bố trí một nền tảng trao đổi "lượt đi trên đường" để giảm bớt số chuyến xe rỗng, cân nhắc phương án chia sẻ dữ liệu của lô hàng đã được thông quan trước khi cập cảng.
Nhóm khuyến nghị cuối cùng liên quan việc giám sát, đánh giá hiệu quả khai thác cảng như xây dựng hệ thống chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của Cát Lái và hệ thống thông tin quản lý cảng của toàn quốc.
Theo USAID, mỗi năm có khoảng 4,9 triệu container 20 feet (TEU) được xếp dỡ tại TPHCM, tương đương với khoảng ba triệu xe tải. Như vậy, bình quân khoảng 8.000 xe tải mỗi ngày qua lại trong và xung quanh TPHCM để xếp dỡ container từ khu vực cảng. Cảng Cát Lái xử lý hơn 92% khối lượng nói trên và khoảng 50% tổng lượng container của cả nước.