Chi phí giáo dục, y tế đẩy CPI tháng 5 tăng 4,44% so với cùng kỳ
(Dân trí) - CPI tháng 5 tăng nhẹ 0,05% so với tháng trước nhưng tăng 4,44% so với cùng kỳ.
Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình chỉ số giá (CPI) tháng 5 và 5 tháng. Theo đó, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 4,44%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá.
Nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức tăng 8,14%, qua đó làm CPI chung tăng 0,5 điểm phần trăm. Nguyên nhân là trong năm học 2023-2024, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,41%, làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,19%, trong đó lệ phí công chứng, bảo hiểm và dịch vụ khác tăng 12,6%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 7,6%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 5,49%; dịch vụ về hiếu hỉ tăng 2,55%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,3% tác động làm CPI chung tăng 1 điểm phần trăm do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá nhà ở thuê tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,47%, tác động làm CPI chung tăng 1,5 điểm phần trăm với mức tăng tại nhóm lương thực là 14,83%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,25%; thực phẩm tăng 2,87%.
Nhóm giao thông tăng 5,58% so với cùng kỳ làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giao thông công cộng tăng 49,18%; xăng dầu tăng 9,03%; bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 4,95%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,61%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,01%, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm.
Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông tháng 5 giảm 1,42% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
Xét so với tháng trước, CPI tăng nhẹ 0,05% với 7 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm hàng giảm giá, 1 nhóm ổn định giá.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38% so với tháng trước; đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%; may mặc, mũ nón và giày dép không tăng không giảm; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,38%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%.
3 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng 4 là giao thông giảm 1,73% do giá xăng dầu giảm; bưu chính viễn thông giảm 0,09%; giáo dục giảm 0,25%;
Tháng 5, giá điện sinh hoạt tăng 2,11% so với tháng trước do thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên. Lưu ý là chỉ số giá điện sinh hoạt phản ánh biến động trễ 1 tháng so với các mặt hàng khác do được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023.
Lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.