Chênh lệch “khủng khiếp” lương sếp - nhân viên doanh nghiệp nhà nước

(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng công ty Vinafood2 hưởng lương 79,7 triệu đồng trong khi Công ty Lương thực Đồng Tháp có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán cũng chỉ tới 11,2 triệu đồng. Sếp Cienco4 hưởng lương 40 triệu đồng nhưng người lao động là 5,5 triệu đồng.

Công bố kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) niên độ 2011, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sáng nay (25/7) đánh giá, thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc khối văn phòng tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của các đơn vị thành viên.

Đơn cử, thu nhập bình quân của lãnh đạo Tổng công ty Vinafood1 năm 2011 là 56,5 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng tổng công ty là 28,4 triệu đồng/người/tháng, trong khi CTCP Xây dựng và Chế biến lương thực Vĩnh Hà có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán là 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Tại Vinafood2, tình trạng cũng tương tự. Lãnh đạo Tổng công ty hưởng lương 79,749 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng tổng công ty là 32,9 triệu đồng/người/tháng, trong khi Công ty Lương thực Đồng Tháp có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán cũng chỉ tới 11,175 triệu đồng/người/tháng.

Chênh lệch “khủng khiếp” lương sếp - nhân viên doanh nghiệp nhà nước
KTNN cho rằng, quy định về tiền lương tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đang có nhiều bất cập.

Hay như ở công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (SaigonPetro), viên chức quản lý công ty có mức lương 35,483 triệu đồng/người/tháng, trong khi công ty mẹ là 8,733 triệu đồng/người. 

Tại Cienco4, Hội đồng thành viên và các Phó Tổng giám đốc hưởng lương 39,9 triệu đồng/người/tháng còn người lao động chỉ được nhận mức lương 5,49 triệu đồng/người/tháng.

Trao đổi về tình trạng lương lãnh đạo “khủng” tại các tập đoàn, tổng công ty, ông Nguyễn Hồng Long, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 6 – Kiểm toán Nhà nước cho biết, đối với các công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, đơn giá tiền lương có sự đồng thuận của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính. Còn đối với các CTCP, đơn giá tiền lương do Hội đồng thành viên quyết định.

Tuy có những lưu ý trên, song ông Long khẳng định Vinafood1 và Vinafood2 hoàn toàn có lãi. Đơn giá tiền lương ở hai doanh nghiệp này cũng đã được sự phê duyệt của Bộ LĐ-TB&XH, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ nhưng vẫn được hưởng đơn giá tiền lương “khủng”, theo ông Long, tập đoàn này nằm trong diện doanh nghiệp được ngoại trừ do Nhà nước có quyết định can thiệp bình ổn thị trường.

Theo kết quả kiểm toán được Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng trình lên Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái, năm 2011, Petrolimex lỗ 1.423,46 tỷ đồng, trong đó, khối đơn vị kinh doanh xăng dầu lỗ 2.358,77 tỉ đồng, các công ty con lãi 841,29 tỷ đồng.

Lương bình quân tính chung toàn tập đoàn hơn 6 triệu đồng. Trong khi, Chủ tịch Petrolimex hưởng lương 58 triệu đồng, Ủy viên hội đồng quản trị lương 42 triệu đồng, Trưởng ban kiểm soát hưởng lương 41 triệu đồng và Phó Tổng giám đốc hưởng lương 40 triệu đồng/người/tháng.

Nói về vấn đề này, Phó Tổng Kiểm toán Lê Minh Khái nhận xét, mặc dù các doanh nghiệp thực hiện theo đúng luật song cơ chế tiền lương tại các Tập đoàn và Tổng công ty đang có nhiều bất cập, từ khâu phân bổ lương trong tập đoàn, tổng công ty đến các công ty thành viên, các viên chức... 

Qua các ý kiến của KTNN, vừa rồi, Chính phủ đã ban hành 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013 quy định chặt chẽ hơn mức lương của các viên chức quản lý. Theo ông Khái, đây là một bước tiến để đi đến khắc phục các yếu kém trong xây dựng cơ chế tiền lương các năm tiếp theo.

Bất cập xây dựng đơn giá tiền lương

Qua rà soát, KTNN cũng thấy rằng, một số đơn vị thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn chưa xây dựng đơn giá tiền lương hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp.

Cụ thể, các công ty TNHH một thành viên thuộc Cienco8 và các công ty con thuộc Vinacco chưa xây dựng đơn giá tiền lương. Trong khi Công ty mẹ - Vinafor lại xây dựng đơn giá tiền lương trên cơ sở doanh thu bao gồm cả doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn doanh thu từ cổ tức và lãi tiền gửi ngân hàng. Như vậy không phù hợp.

Trong khi đó, việc giao đơn giá tiền lương và phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong tập đoàn, tổng công ty và giữa các bộ phận trong đơn vị còn chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cơ quan kiểm toán chỉ rõ, tại Petrolimex, công ty mẹ và các công ty con 100% vốn xây dựng đơn giá tiền lương chung cho khối kinh doanh xăng dầu, sau đó Tập đoàn giao đơn giá tiền lương cho các đơn vị trên cơ sở đơn giá tiền lương tổng hợp, không xây dựng, quyết toán đơn giá tiền lương riêng.

Tương tự, tại Saigontourist, tập đoàn này lại căn cứ doanh thu trừ chi phí chưa có khấu hao tài sản cố định để giao đơn giá tiền lương cho các đơn vị phụ thuộc, dẫn đến những đơn vị được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp có số khấu hao tài sản cố định lớn, kinh doanh có thể lỗ nhưng vẫn được hưởng quỹ lương cao.

Bích Diệp