Chênh lệch giữa vàng SJC và thế giới về 17 triệu đồng/lượng

An Chi

(Dân trí) - Giá vàng SJC đứng im trong khi thế giới tăng khiến mức chênh lệch được thu hẹp, về 17 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (9/8), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 66,4-67,42 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với phiên trước. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương thị trường Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 1-1,02 triệu đồng/lượng. 

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.784 USD/ounce (tương đương 50,37 triệu đồng/lượng), tăng 10 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,05 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giữa vàng SJC và thế giới về 17 triệu đồng/lượng - 1

Giá vàng SJC "đứng im" trong khi thế giới tăng khiến mức chênh lệch được thu hẹp, về dưới 17 triệu đồng/lượng (Ảnh: Mạnh Quân).

Giá vàng thế giới tăng nhẹ, tiến sát mốc 1.800 USD/ounce do chỉ số đồng USD giảm (106,41 điểm), lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng (đạt 2,8%).

Tuy nhiên, hãng TD Securities lại cho rằng, kim loại quý không có nhiều "cửa sáng" trong ngắn hạn, nhất là khi báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng 7 vượt dự báo. Vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) càng tin tưởng vào quyết định tăng lãi suất là đúng đắn.

Ngày 2/8, Chủ tịch Fed khu vực Chicago Charles Evans dự báo ngân hàng trung ương Mỹ có thể áp dụng các "chính sách diều hâu" về lãi suất cho đến khi lạm phát hạ nhiệt. "Khả năng cao, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% vào tháng 9. Nếu tình hình không được cải thiện, Fed có thể xem xét mức 0,75% thay vì 0,5% hoặc có thể cao hơn nữa", ông nói.

Chủ tịch Fed khu vực San Francisco Mary Daly đánh giá "còn một chặng đường dài phía trước" dành cho nước Mỹ để đạt được mục tiêu ổn định giá cả, nhất là khi lạm phát ngày càng nóng.

Còn Chủ tịch Fed khu vực Richmond Thomas Barkin cho rằng, Fed sẵn sàng đánh đổi một số thứ để kiềm chế lạm phát. "Có một con đường để kiểm soát lạm phát nhưng cũng có một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong quá trình này. Nếu chúng xuất hiện, chúng ta phải giữ quan điểm chu kỳ kinh doanh (business cycle) là tuần hoàn và không bao giờ kết thúc", ông nói.

Quyết tâm trên từng được Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh trong cuộc họp tháng 7 về lãi suất. Ông nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát trở lại mục tiêu 2% và không loại trừ khả năng có "một lần tăng lãi suất bất thường" vào kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Người đứng đầu Fed cũng đề cập đến rủi ro khi ngân hàng trung ương Mỹ "đi quá xa" trong việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông cho rằng, rủi ro lớn hơn là không khôi phục được sự ổn định giá cả, trong khi tình hình tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp đang vững chắc và "nhìn chung nền kinh tế Mỹ có thể chịu được chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Tính tới hiện tại, lãi suất tham chiếu tại Mỹ nằm trong khoảng 2,25-2,5% sau khi Fed nâng lãi suất thêm 0,75% vào kỳ điều chỉnh tháng 7. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.