1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vàng còn bao nhiêu cơ hội tăng giá?

An Chi

(Dân trí) - Một số chuyên gia dự báo giá vàng sẽ chững lại trong ngắn hạn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục "diều hâu" trong vấn đề lãi suất.

Sáng nay (6/8), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 66,3-67,32 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 300.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với phiên trước. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương thị trường Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 1 - 1,02 triệu đồng/lượng. 

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.776 USD/ounce (tương đương 50,14 triệu đồng/lượng), giảm 14 USD. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,18 triệu đồng/lượng.

Giá vàng sụt giảm khi báo cáo việc làm Mỹ trong tháng 7 có nhiều tín hiệu triển vọng. Đồng nghĩa với việc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục
"diều hâu" trong vấn đề lãi suất vì họ tin rằng chiến lược vạch ra là đúng.

Vàng còn bao nhiêu cơ hội tăng giá? - 1

Một số chuyên gia dự báo giá vàng sẽ chững lại trong tuần tới (Ảnh: Tiến Tuấn).

Bộ Lao động Mỹ cho biết, nền kinh tế đã bổ sung thêm 528.000 việc làm trong tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức thấp trước đại dịch là 3,5%.

Trong đó, hoạt động tuyển dụng tăng mạnh trong lĩnh vực giải trí, khách sạn và chăm sóc sức khỏe, mỗi ngành tăng thêm 96.000 việc làm, ngành sản xuất và xây dựng tăng 32.000 việc làm.

Tuy nhiên, tiền lương và mức thu nhập trung bình mỗi giờ lại tăng thêm 15 xu Mỹ so với tháng 6. Điều này khiến giới chuyên gia lo ngại về lạm phát chưa thực sự "hạ nhiệt" và Fed sẽ không dừng lại cuộc đua lãi suất.

Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát trở lại mục tiêu 2% và không loại trừ khả năng có "một lần tăng lãi suất bất thường" vào kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Người đứng đầu Fed cũng đề cập đến rủi ro khi Ngân hàng Trung ương Mỹ "đi quá xa" trong việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông cho rằng, rủi ro lớn hơn là không khôi phục được sự ổn định giá cả, trong khi tình hình tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp đang vững chắc và "nhìn chung nền kinh tế Mỹ có thể chịu được chính sách tiền tệ thắt chặt hơn".

"Tuần trước, thị trường tin rằng Fed có thể nhanh chóng rời khỏi các đợt tăng lãi suất khi tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng mọi thứ đã thay đổi trong tuần này, nhất là khi báo cáo việc làm có nhiều tin mừng", nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA Edward Moya cho biết.

Ông cho rằng, những dữ liệu về việc làm có thể xoay chuyển "cuộc chơi" của Fed. Do đó, kim loại quý sẽ gặp khó khăn khi thị trường đánh giá lại về các kỳ vọng của Fed với việc tăng lãi suất.

"Vàng đã thất bại khi không thể vượt 1.800 USD/ounce trong tuần này. Khả năng cao, vàng chỉ có thể giữ mức đang có sang tuần sau, vì tăng từ 1.700 USD/ounce lên 1.800 USD/ounce đã là thách thức lớn với kim loại quý", ông Moya nói.

Chính sách diều hâu (Hawk) là một chính sách kinh tế ủng hộ việc tăng lãi suất để chống lạm phát. Chính sách này ít quan tâm đến tăng trưởng kinh tế hơn so với áp lực suy thoái gây ra bởi tỷ lệ lạm phát cao.