An Giang:
Chê chợ tiền tỉ, tiểu thương kéo ra bán ở lề đường
(Dân trí) - Chợ mới xây dựng hoành tráng được bàn giao nhiều tháng nay nhưng tiểu thương lại "chê", chỉ vào buôn bán được vài ngày thì lại tiếp tục quay về chợ cũ.
Chợ Tri Tôn (được xem là chợ lớn nhất huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) nhiều năm qua bị tiểu thương buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường trên tỉnh lộ 948 gây bức xúc cho du khách mỗi khi đi về vùng Bảy núi tham quan, du lịch.
Mới đây, huyện Tri Tôn tiến hành di dời 165 hộ buôn bán nhỏ lẻ ven tuyến đường này và những hộ buôn bán trong khuôn viên chợ Tri Tôn sang chợ khu đô thị Sao Mai. Thế nhưng, khi dời về chợ Sao Mai, đến ngày 13/12 thì hàng trăm tiểu thương này lại quay về chợ Tri Tôn buôn bán như cũ khiến nơi này ô nhiễm và kẹt xe trầm trọng hơn.
Ông Huỳnh Dũng Chiến (bảo vệ chợ Sao Mai) cho biết: “Hôm dời về chợ Sao Mau, có hàng trăm người buôn bán tấp nập lắm. Nay thì họ “rút” qua chợ Tri Tôn lại rồi. Bà con cho rằng, chợ mới tuy khang trang nhưng lại thiếu vắng nhiều mặt hàng khiến họ buôn bán ế ẩm, còn phía sau chợ chưa được xây dựng nhà tiền chế để che nắng, che mưa nên gây khó cho bà con”.
Theo ông Chiến, nhiều tiểu thương cho rằng, việc dời chợ quá gấp khi ngày Tết cận kề sẽ làm họ thất thu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Họ cũng không đồng tình việc chợ mang tên Sao Mai nên yêu cầu phải thay vào đó là chữ chợ Tri Tôn thì họ sẽ buôn bán.
“Tôi nghe bà con ý kiến nhiều lần về việc đổi tên chợ, bởi họ cho rằng mang tên Sao Mai là của tư nhân chứ không phải của huyện”, ông Chiến nói.
Ông Lưu Đức Vũ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tri Tôn - cho biết, chợ khu đô thị Sao Mai được đầu tư xây dựng trên 7,5 tỷ đồng, trên diện tích 8.470m2, có 68 ki-ốt và 94 lô sạp. Chợ do Tập đoàn Sao Mai đầu tư xây dựng rồi chuyển giao cho huyện Tri Tôn từ tháng 8/2015 đến nay. Kế hoạch ban đầu của huyện là di dời các hộ lấn chiếm lòng, lề đường sang chợ Sao Mai, nhưng hàng trăm hộ qua buôn bán được vài ngày thì họ đã quay lại chỗ cũ.
“Qua ghi nhận, nguyên nhân chính do qua chợ mới không đồng bộ các mặt hàng để bà con buôn bán. Nếu anh đi chợ thì mua cá, rau và thịt. Trong khi đó, những hộ mình chuyển qua trước là những hộ bán nhỏ lẻ ở lề đường chỉ có cá và rau, những hộ buôn bán thịt không bán được nên họ ý kiến. Danh sách những hộ đồng ý qua chợ mới trên 70% rồi, nhưng giờ họ quay lại chỗ cũ lại gây kẹt xe và ô nhiễm nữa”, ông Vũ lý giải.
Ông Chiến cho rằng doanh nghiệp và huyện đã hứa xây dựng nhà tiền chế nơi này cho bà con buôn bán nhưng vẫn chưa thấy làm.
Trao đổi với PV, ông Phan Văn Sương - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn - khẳng định, huyện và doanh nghiệp đã nhiều lần đối thoại trực tiếp với bà con tiểu thương nhưng không thành. “Đa số bà con yêu cầu đổi tên chợ và nâng cấp các kệ bán thịt cao lên hơn để buôn bán thuận tiện và xây dựng thêm các mái nhà tiền chế để họ bán rau, cá và yêu cầu qua Tết sẽ chuyển. Vấn đề này nằm trong tầm tay của huyện và nhà đầu tư nên chúng tôi đã hứa rồi nhưng chưa thấy đơn vị đầu tư làm”, ông Sương nói.
Minh Thư