CEO Anphabe: “Hiền tài của Việt Nam ở khắp muôn nơi, việc của chúng ta là thu hút họ”
(Dân trí) - Chị Thanh Nguyễn đã thành lập Anphabe.com – Mạng Cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý lớn nhất Việt Nam kết nối hơn 600,000 thành viên. Anphabe đã làm vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người đi làm, thông qua việc đồng hành và hỗ trợ xây dựng nơi làm việc lý tưởng và nguồn nhân lực chất lượng.
Không những thế, chị Thanh Nguyễn còn là một diễn giả được săn đón trên nhiều diễn đàn, chủ trì nhiều chương trình về quản trị nhân sự trên đài truyền hình quốc gia. Những chia sẻ của chị về Hạnh phúc tại nơi làm việc thuộc series Monday Motivation cũng thu hút hơn 50 ngàn lượt xem hàng tuần.
Nhờ những thành tích đó, năm 2017, chị đã được vinh danh là người Việt Nam đầu tiên nhận giải Asia HR Awards vì những đóng góp cho cộng đồng HR, được trao tặng bởi HRD Asia Congress. Đặc biệt, chị còn được vinh dự đứng trong hàng ngũ của VGLF – Diễn đàn dành cho những người Việt có tầm ảnh hưởng nhất và sẽ trở thành diễn giả trong Sự kiện ra mắt tại Pháp vào ngày 30-31/3 tới đây.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Thanh Nguyễn đã đưa ra nhiều góc nhìn mới mẻ và khác biệt, thể hiện bản lĩnh của một người phụ nữ Việt hiện đại, thành công và hạnh phúc.
Chào chị Thanh, rất hân hạnh được trò chuyện với chị hôm nay. Đầu tiên chị có thể giải thích về chức danh Chief Happiness Officer?
Chief Happiness Officer tiếng Việt nghĩa là Người truyền cảm hứng Hạnh phúc. Tôi chọn danh hiệu này, vì đó là sứ mệnh của Anphabe, với muốn góp phần xây dựng nguồn nhân lực hạnh phúc cho Việt Nam. Định nghĩa hạnh phúc của Anphabe khác với mọi người, Hạnh phúc không chỉ là làm việc nhàn – lương cao, hạnh phúc thực sự còn phải có sự gắn kết với doanh nghiệp mà mình chọn và chuyển sự gắn kết đó thành nỗ lực và lòng trung thành. Doanh nghiệp không chỉ chú trọng vào doanh thu còn nên tập trung vào vấn đề xây dựng đội ngũ thực sự hạnh phúc, như vậy công ty sẽ phát triển bền vững và đem lại lợi nhuận như các CEO vẫn mong muốn.
Chị có thể chia sẻ bí quyết giúp phụ nữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
Tôi nghĩ là vũ trụ rất công bằng. Phụ nữ yếu đuối hơn ngược lại được ban cho khả năng làm nhiều việc cùng một lúc. Có thể vừa trông con, vừa nghĩ tới công việc hay vừa nấu ăn mà vẫn có thể làm một hoạt động khác. Tuy nhiên phụ nữ Việt Nam nên bỏ bớt những kỳ vọng do người khác mong muốn hay đôi khi là do chính mình tạo ra. Phụ nữ không nên tự mình làm hết mọi việc mà nên sử dụng nhiều nguồn lực hỗ trợ như máy móc hay các dịch vụ có sẵn…
Tại sao chị từ một người làm Marketing lại chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực tư vấn Nhân sự và xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc?
Có vẻ giữa lĩnh vực Marketing và Nhân sự không có nhiều điểm chung. Tôi đã quyết định khởi nghiệp lần một ở ngành Nhân sự với công ty Caravat, sau 3 năm thì tôi quyết định khởi nghiệp lần 2. Lần này tôi đã tìm được một “đại dương xanh” cho riêng mình đó là Marketing cho Nhân sự. Thông thường người ta chỉ Marketing cho sản phẩm, dịch vụ nhưng ở Việt Nam chưa có ai làm Marketing cho môi trường làm việc.
Thực tế công ty nào cũng muốn tìm kiếm những nhân tài nhưng chưa biết cách để quảng bá chính mình để thu hút. Thậm chí thu hút được nhân tài cũng chưa chắc đã giữ chân được họ. Nên tôi bắt đầu hỗ trợ các công ty bằng cách xây dựng vững chắc từ bên trong, đẩy mạnh môi trường làm việc thật hấp dẫn, sau đó mới bắt tay vào quảng bá ra bên ngoài. Khi thu hút được một lượng nhân tài rồi, tiếp tục khảo sát những mong muốn của họ để gia tăng gắn kết, làm việc hiệu quả và trung thành hơn. Kể cả họ quyết định ra đi vẫn có một cái nhìn tốt về công ty và tiếp tục Marketing cho doanh nghiệp. Mô hình này khá phổ biến ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì chưa có và Anphabe là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.
Được biết, sắp tới chị sẽ tham dự sự kiện Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) ở Pháp với vai trò là một diễn giả, chị sẽ chia sẻ những gì Diễn đàn VGLF?
Tôi muốn được đóng góp trong lĩnh vực xây dựng Thương hiệu Việt dưới góc độ nguồn nhân lực. Đây là một chủ đề khiến tôi rất hứng thú, qua đó tôi cũng có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng được một môi trường làm việc tốt hơn. Ngoài ra, đến với Chương trình, tôi không chỉ được trò chuyện với một vài doanh nghiệp mà là diễn thuyết trước toàn bộ những người có tầm ảnh hưởng ở Việt Nam và nước ngoài. Từ đó, tạo sự kết nối cùng nhau xây dựng môi trường làm việc Hạnh phúc có khả năng thu hút và giữ chân nhiều nhân tài hơn. Tôi rất là tự hào khi làm việc đó.
Chị có suy nghĩ gì về việc thành lập Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng (VGL Network)? Chị nghĩ Mạng lưới này sẽ có đóng góp gì vào sự phát triển bền vững của VN cũng như giúp VN định hình thương hiệu quốc gia?
Tôi nghĩ VGL Network sẽ là một tổ chức rất ý nghĩa. Hiền tài người Việt trên thế giới rất nhiều, đôi khi ta không cần ngồi ở Việt Nam vẫn có thể đóng góp cho đất nước phát triển. Sự đóng góp cũng không chỉ là kiều hối mà còn cả chất xám, kiến tạo cơ hội, kết nối nhân tài… Diễn đàn VGLF sẽ là bước đầu tiên để người tài Việt Nam kết nối với nhau và xây dựng được Thương hiệu Quốc gia vươn tầm ra thế giới.
Cảm ơn chị, chúc chị một ngày 8/3 hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công trong công việc cũng như hoàn thành sứ mệnh của mình ở VGLF sắp tới!
VGLF không chỉ là một diễn đàn, mà còn là điểm khởi đầu của một chiến
lược nhân tài dài hạn, dựa trên:
• Nghiên cứu sâu rộng về kinh nghiệm quốc tế thành công
• Nhu cầu thiết thực của Việt Nam
VGLF sẽ không chỉ xây dựng một mạng lưới, mà còn xây dựng một tổ chức
vững mạnh – Tổ chức VGL - để duy trì và điều phối mạng lưới:
• Với nguồn nhân lực và tài chính đủ mạnh
• Với sự hỗ trợ từ lĩnh vực tư nhân và sự ủng hộ từ chính phủ Việt Nam
VGLF có những mục tiêu được xác định rõ ràng, với các kế hoạch cụ thể và
bài bản để hoàn thành mục tiêu:
• Các hoạt động thường xuyên bao gồm: chương trình cố vấn, việc làm
và đào tạo, các buổi trao đổi chuyên đề, ...
• Các hoạt động kết nối đầu tư, các sự kiện từ thiện, ...
Để biết thêm thông tin chi tiết về Diễn đàn, xin vui lòng truy cập vào trang web: https://www.vietnamgloballeaders.org/ hoặc contact@vietnamgloballeaders.org