Cây xăng đóng cửa, người dân vùng biên mua xăng trôi nổi
(Dân trí) - Mặc dù giá cả xăng dầu đã được bình ổn nhưng ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông), người dân vẫn gặp phải tình trạng thiếu xăng dầu, chấp nhận mua hàng trôi nổi với giá cao để sử dụng.
Theo ghi nhận của Dân trí, trong khi đại lý xăng dầu tại thôn 18, xã Quảng Tân (Tuy Đức) treo biển hết xăng thì phía đối diện xuất hiện điểm bán xăng lẻ.
Càng gần đến giờ trưa, lượng người mua xăng tại điểm bán lẻ này càng đông, người bán liên tục phải đổ ra các chai nhựa dung tích lít để phục vụ nhu cầu người dân.
Chị N.- người bán xăng cho biết khi cửa hàng xăng dầu trên địa bàn treo biển hết hàng thì chị lại tới Cửa hàng xăng dầu Petrolimex tại trấn Kiến Đức (huyện Đắk R'lấp) để mua xăng về bán cho người dân trong vùng. Trung bình mỗi ngày chị này bán được hơn 60 lít xăng A92, với mức giá khoảng 25.000 đồng/lít.
"Thấy nhu cầu của người dân trong vùng thiếu nên tôi mua về bán lẻ, mỗi lít cũng lời vài nghìn đồng", chị N. nói.
Theo người dân, tình trạng thiếu xăng thường xuyên xảy ra. Mỗi khi các đại lý xăng dầu ở xã Quảng Tân đóng cửa, người dân phải chấp nhận mua xăng lẻ để sử dụng, nếu không phải chạy ngược ra thị trấn Kiến Đức để mua hàng.
Ông Ngô Đình Bình (xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức) cho biết: "Đang vào mùa thu hoạch cà phê nên nhu cầu sử dụng xăng, dầu lớn. Chúng tôi phải mua ở điểm bán lẻ để thuận lợi đi lại và tiết kiệm thời gian".
Tương tự, tình trạng thiếu xăng dầu cũng xảy ra tại xã Đắk R'tih (Tuy Đức). Để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, người dân địa phương phải tới trung tâm huyện mua xăng dầu về dự trữ. Một số người dân chấp nhận mua xăng lẻ với giá cao hơn giá quy định để sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Hà (xã Đắk R'tih, huyện Tuy Đức) cho biết chị mua xăng lẻ không chỉ để đi lại mà còn dùng để chạy máy phát cỏ. Do nhu cầu sử dụng nhiều nên cứ cách 5 ngày là chị phải đi mua 20 lít xăng về dùng. Chị cũng lo ngại xăng pha trộn nhưng vì nhu cầu đi lại, sản xuất nên gia đình phải mua về dùng.
Theo Đại lý bán lẻ xăng dầu là Công ty TNHH Đoàn Gia Đắk Nông, những ngày gần đây, việc nhập xăng của cửa hàng vẫn gặp khó khăn. Nguồn xăng dầu nhập về mỗi ngày một hạn chế cả về số lượng lẫn thời gian cấp nên việc bán lẻ xăng dầu bị gián đoạn. Có nhiều thời điểm, cửa hàng xăng dầu rơi vào tình trạng hết xăng, ảnh hưởng đến việc kinh doanh và nhu cầu của người dân.
"Hầu hết đơn hàng nhập xăng đều đặt trước 15 ngày, thậm chí có lúc đặt trước đến 30 ngày nhưng có thời điểm cửa hàng không có xăng để bán. Có lúc doanh nghiệp cử xe đi lấy hàng nhưng không được, xe chở xăng dầu nhiều khi phải chờ vài ngày cũng không có hàng", quản lý Đại lý bán lẻ xăng dầu Công ty TNHH Đoàn Gia Đắk Nông nói.
Tương tự, một đại lý xăng dầu khác trên địa bàn huyện Tuy Đức cho biết, việc nhập xăng, dầu hiện nay vẫn còn khó khăn nên thỉnh thoảng vẫn rơi vào tình trạng thiếu hàng cung ứng ra thị trường.
Được biết, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, thuộc ngành hàng kinh doanh có điều kiện nên phải tuân thủ quy định của pháp luật, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Chính vì thế, pháp luật nghiêm cấm hành vi tích trữ để đầu cơ mua bán lại xăng dầu trái phép kiếm lời.