Cạnh tranh mua bán điện: Xa vời!
Nếu như chưa thể xóa vai trò độc quyền của EVN, các đơn vị tư nhân khó đủ điều kiện tham gia thị trường điện dù Bộ Công Thương vừa có chủ trương mở rộng cho nhiều doanh nghiệp tham gia
Bộ Công Thương vừa phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Việt Nam với cấu trúc thị trường bao gồm nhiều thành phần của cả bên bán và bên mua.
Vẫn còn nhập nhèm
Theo thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh, bên bán điện gồm: đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất đặt trên 30 MW trực tiếp tham gia thị trường điện; các nhà máy thủy điện có công suất đặt từ 30 MW trở xuống đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, các nhà máy điện được đầu tư theo hình thức BOT, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu cũng sẽ tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Bên mua điện bao gồm: 5 tổng công ty điện lực miền Bắc, miền Nam, miền Trung, TP Hà Nội và TP HCM; khách hàng sử dụng điện lớn mua điện từ cấp điện áp 110 KV trở lên đấu nối trực tiếp vào trạm biến áp truyền tải cấp điện áp 220 KV, các đơn vị mua buôn điện mới… đáp ứng những điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương.
Nhận xét về cấu trúc trên, PGS-TS Bùi Huy Phùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam, cho rằng bất cập ở chỗ các tổng công ty điện lực có quyền mua bán điện đều trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên mức độ cạnh tranh ở thị trường còn thấp.
Trong khi đó, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ thực hiện theo hình thức bên mua từ cấp điện áp 110 KV trở lên sẽ đấu nối trực tiếp vào cấp điện áp 220 KV. Trong khi đó, trước đây, để mua điện ở lưới 110 KV thì không đấu nối trực tiếp mà phải qua các tổng công ty điện lực. Như vậy, với cấu trúc mua bán điện mới, vai trò của 5 tổng công ty điện lực sẽ tách khỏi EVN, tức là sẽ hạch toán độc lập.
Theo lý thuyết, để vận hành thị trường điện cạnh tranh thì cấu trúc mua bán điện hiển nhiên phải thực hiện như trên. Tuy nhiên, trong thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh lại không đề cập lộ trình tách 5 tổng công ty điện lực ra khỏi EVN. Thậm chí, việc triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2016 mới chỉ vận hành “thử” trên giấy; đến năm 2017 mới chính thức vận hành thí điểm thị trường này và sẽ hoàn thành dần vào năm 2018. Dự kiến, sau năm 2020 mới có thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Tư nhân khó chen chân
Một nội dung được đánh giá là khá cởi mở trong thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện lần này là cho phép các đơn vị mới tham gia thị trường khi đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương. Như vậy, các tập đoàn như Dầu khí, Than và Khoáng sản hay các công ty tư nhân khác… có đủ điều kiện đều được thành lập công ty mua bán điện để tham gia thị trường. Khi đó, sẽ hình thành nhiều công ty mua bán điện và tính cạnh tranh trên thị trường sẽ mạnh mẽ hơn.
Dù vậy, nhìn vào thực tế, quy định mới tuy đã mở nhưng lại chưa “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân. “Các quy định của Bộ Công Thương phải nói là rất khó để thực hiện bởi kinh doanh điện mang tính đặc thù cao. Muốn mua bán điện độc lập thì phải có hệ thống lưới điện, kết nối với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và hệ thống SCADA (điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu - PV). Hiện các nhà máy của EVN đã kết nối nhưng doanh nghiệp ngoài EVN, nhất là các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, vẫn chưa làm được” - ông Trần Viết Ngãi chỉ ra.
Theo ông Ngãi, để bảo đảm các điều kiện về hạ tầng như trên, đòi hỏi vốn đầu tư không quá lớn nhưng yêu cầu kỹ thuật lại phức tạp và phải có kế hoạch triển khai bài bản. Do đó, nếu không được giúp đỡ, tạo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thì các đơn vị tư nhân khó lòng chen chân vào thị trường điện.
Trong khi đó, đến nay, ngay giai đoạn đầu của lộ trình thị trường hóa ngành điện là khâu triển khai thị trường phát điện cạnh tranh thì kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Tỉ lệ nhà máy tham gia thị trường mới đạt 50%-60% nên thị trường phát điện thực tế chưa được vận hành đầy đủ.
Nguyên nhân là do nhiều nhà máy chưa có hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng chưa đủ tiêu chuẩn để có thể cạnh tranh về giá bán lẫn mua. Ưu thế vẫn đang nghiêng về các nhà máy trực thuộc EVN bởi những nhà máy này có điều kiện trang bị cơ sở hạ tầng đồng bộ.
“Nếu Cục Điều tiết điện lực không tiếp tục tạo điều kiện cho nhiều nhà máy tham gia hơn nữa thì rất khó có thị trường bán buôn” - ông Trần Viết Ngãi nhấn mạnh.
Để thúc đẩy quá trình này, các chuyên gia ngành điện cho rằng cần linh hoạt trong lộ trình thực hiện, không nhất thiết phải hoàn thành giai đoạn 1 mới chuyển sang giai đoạn 2. Thực hiện song song các giai đoạn sẽ thúc đẩy nhanh tiến tới đích mà người tiêu dùng mong đợi là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Buộc EVN mua điện ngoài hệ thống
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy để tránh tình trạng các đơn vị phân phối điện thuộc EVN không mua điện từ thị trường mà chỉ mua của EVN, sắp tới đây, bộ sẽ quy định bắt buộc EVN phân bổ sản lượng mua điện từ thị trường về cho các đơn vị trực thuộc. Khi đó, thị trường bán buôn mới bảo đảm và tạo động lực để các đơn vị tham gia, nâng cao khả năng cạnh tranh. Người tiêu dùng (hộ gia đình hoặc kinh doanh) có thể sẽ không bị buộc phải mua điện của EVN mà được mua từ các doanh nghiệp khác, chấp nhận giá cao - thấp theo thời điểm.
Theo Phương Nhung
Người Lao động