Chính thức phá thế độc quyền kinh doanh điện của EVN
(Dân trí) - 5 Tổng công ty Điện lực được quyền tham gia và bán buôn điện cạnh tranh, thay vì chỉ một Công ty mua bán điện Thuộc Tập đoàn Điện lực việt Nam (EVN) như trước kia. Khách hàng, người dân được quyền mua điện từ các nhà phân phối điện năng không thuộc quyền quản lý của EVN.
Đó là những điểm mới trong Thiết kế chi tiết thị trường buôn bán điện cạnh tranh vừa được Bộ Công Thương phê duyệt mới đây.
Theo đại diện Bộ Công Thương, với nhiều điểm mới trong thiết kế chi tiết thị trường buôn bán điện cạnh tranh, từ nay đến năm 2021 sẽ xóa bỏ vai trò độc quyền trong sản xuất, phân phối và cung ứng điện của EVN.
Về bán buôn điện cạnh tranh, các nhà phát triển điện có công suất trên 30 MW được trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh với đơn vị mua buôn và truyền tải điện năng mà không phải qua Công ty mua bán điện quốc gia. Còn các nhà máy thủy điện có công suất từ 30 MW trở xuống được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện khi đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng.
Các nhà máy điện đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được tham gia thị trường điện cạnh tranh với các hình thức trực tiếp hoặc qua đơn vị chào giá thuộc EVN. Các nhà máy điện chiến lược, đa mục tiêu ngoài những quyền trên còn thực hiện các quyền và nghĩa vụ để bình ổn thị trường và đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng quốc gia.
Đặc biệt, điểm lợi cho thị trường và người tiêu dùng chính là việc Bộ Công Thương chính thức mở rộng quyền mua bán và phân phối điện. Nếu trước đây, mọi nhà phát điện đều phải bán buôn điện cho một đơn vị duy nhất của EVN với mức giá quy định, thì nay sẽ có nhiều đơn vị thuộc hoặc không thuộc EVN được quyền mua điện từ các nhà phát triển điện.
Cụ thể, các Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Nam, miền Trung, TP Hà Nội, TPHCM (được thuộc hoặc không thuộc quyền quản lý của EVN) sẽ được mua bán buôn điện từ các đơn vị phát điện với mức giá thị trường và bán lại cho các khách hàng của mình qua đơn vị truyền tải của EVN.
Đây là nút thắt được cởi bỏ bởi trước đây, các đơn vị phát điện chỉ được bán cho Công ty Mua bán điện quốc gia thuộc EVN với mức giá được Bộ Công Thương đưa ra. Sau đó Công ty Mua bán điện quốc gia phân phối lại cho các Tổng Công ty điện lực và đến tay khách hàng.
Điểm đáng chú ý là, các khách hàng lớn, sử dụng điện lớn mua điện từ cấp điện áp 110kV trở lên như: các khu công nghiệp, các nhà máy như ximăng, thép... được quyền nói trực tiếp vào trạm biến áp truyền tải cấp điện 220kV. Các khách hàng này cũng có quyền mua trực tiếp từ các nhà máy thông qua giao dịch trên thị trường điện theo các quy định của Bộ Công Thương.
Trong kế hoạch chi tiết, Bộ Công Thương chỉ rõ, kế hoạch thị trường bán buôn điện cạnh tranh được hình thành và phát triển theo các giai đoạn. Từ năm 2016 sẽ là giai đoạn vận hành thí điểm bước 1 thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Từ năm 2017 - 2018, là giai đoạn vận hành thí điểm bước 2 và thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ chính thức hoàn chỉnh từ năm 2019.
Dự kiến, năm 2021, Việt Nam sẽ có thị trường điện cạnh tranh.
Nguyễn Tuyền