Vấn đề kinh tế trong tuần:

Cẩn trọng với nợ; Hàng triệu người dân sắp chịu thêm phí mới?

(Dân trí) - “Cần thận trọng hơn với vấn đề nợ của nền kinh tế. Sống trên núi nợ thì phải tính làm ăn ra sao đây?”, lưu ý của chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ đã khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Bên cạnh đó, tuần qua, độc giả cũng đặc biệt quan tâm đến dự định của cơ quan thuế nhằm đưa các ngành nghề như xe ôm, kinh doanh vỉa hè vào “tầm ngắm” hay là kế hoạch thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Cẩn trọng với nợ; Hàng triệu người dân sắp chịu thêm phí mới? - Ảnh 1.

Đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP của Việt Nam thấp hơn của Campuchia.

Đóng góp GDP của công nghiệp chế tạo Việt Nam “thua” cả Campuchia

“Mặc dù chiếm đến gần 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng năm 2017 công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đóng góp gần 15% GDP so với mức trên 20% của phần lớn các quốc gia trong ASEAN, Campuchia 22%, Thái Lan 26%, Hàn Quốc 28%, Trung Quốc 36%”, Bộ Công Thương cho biết trong một báo cáo gần đây.

Hiện nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng là gần 45 tỷ USD, tăng hơn 14% so với 2015, chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc (gần 14 tỷ USD), Trung Quốc (hơn 12 tỷ USD).

Nhập khẩu từ 02 quốc gia này chiếm gần 60% tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng của Việt Nam. Nếu tính cả các ngành CNHT cho dệt may và da – giày, kim ngạch nhập khẩu CNHT Việt Nam năm 2016 lên đến hơn 63 tỷ USD.

“Nhà báo tống tiền doanh nghiệp? - Chuyện chỉ có ở Việt Nam”

Ngày 19/12, Đại tá Dương Ngọc Sáu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị vừa bắt giữ 1 nữ phóng viên báo Thương hiệu và Công Luận để điều tra về hành vi tống tiền doanh nghiệp.

Cụ thể, nữ phóng viên này nắm bắt được một số vấn đề về một doanh nghiệp nước ngoài nên đã tống tiền 70.000 USD.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về câu chuyện quan hệ báo chí và doanh nghiệp gắn với sự việc trên, ông Takemika Hideyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tajima Steel Việt Nam, một công ty có vốn đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Ở Nhật Bản chưa từng có vụ việc như thế. Tôi cũng chưa từng đọc qua vụ nhà báo tống tiền nào ở nước tôi hay nước khác trên thế giới”.

Đáng nói, ông Hideyuki nói: “Tôi nghĩ, chắc chỉ ở Việt Nam mới có chuyện lạ này!”. Tuy nhiên, ông Hideyuki cho rằng, đây là chuyện không nên có, dù ở Việt Nam, ở Nhật Bản hay bất kì đâu trên thế giới.

Cẩn trọng với nợ; Hàng triệu người dân sắp chịu thêm phí mới? - Ảnh 2.

Vụ phóng viên tống tiền doanh nghiệp gây "sốc" dư luận tuần qua

Xe ôm, quán cóc vỉa hè vào “tầm ngắm” của ngành thuế

Tổng cục Thuế cho biết, kết quả rà soát của cơ quan thuế cho thấy, số hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế lên tới 581.700 hộ.

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế đưa ngay những hộ kinh doanh này vào diện quản lý thuế. Đồng thời các cục thuế phải thường xuyên rà soát đảm bảo dữ liệu giải trình đối với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát - không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản…)

Tổng cục Thuế cũng lưu ý đối tượng hộ gia đình vừa sản xuất, vừa bán lẻ sản phẩm tại nhiều địa điểm khu vực dân cư là đối tượng có chênh lệch nhiều trong tiêu chí điều tra của cơ quan thuế.

Đổ xăng đi ô tô, xe máy: Dân sắp chịu thêm 1 loại phí mới?

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi 6 Bộ là Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trên khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Bao gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí...

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã có văn bản đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô-tô, xe gắn máy, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường các phương tiện tham gia giao thông.

Trước đó, ngày 28/8/2018, Hà Nội đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện.

Cẩn trọng với nợ; Hàng triệu người dân sắp chịu thêm phí mới? - Ảnh 3.

Ô tô, xe máy có thể chịu thêm phí mới là phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

“Cần thận trọng hơn với vấn đề nợ của nền kinh tế”

TS. Lưu Bích Hồ cho rằng: "Vẫn còn một số vấn đề lớn. Tất cả những gì xuất hiện trước mắt là phần nổi của tảng băng chìm, dù đã có nhiều điểm sáng mới”.

Theo TS Lưu Bích Hồ, năm 2018, chúng ta đã thực hiện tái cơ cấu kinh tế thực chất hơn, nhưng chưa đủ. Ông cho rằng, nếu không tiếp tục tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất hơn, toàn diện hơn thì sẽ không có nền tảng vững chắc cho tăng trưởng.

“Gần đây, có đánh giá của một tổ chức quốc tế là chất lượng nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 48/149 quốc gia và nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng cũng khá. Nhưng tôi thấy không hoàn toàn đúng về nền tảng tăng trưởng. Một số tổ chức nước ngoài họ hay khen chúng ta quá mức nữa”, ông Hồ nói.

Về nợ, chúng ta đang sống và làm ăn trên một núi nợ, không chỉ có hơn 60% nợ công / GDP, mà nợ của chúng ta bao gồm cả nợ của doanh nghiệp, người dân, được xem là nợ quốc gia, nợ của cả nền kinh tế rất lớn. “Cần thận trọng hơn với vấn đề nợ của nền kinh tế. Sống trên núi nợ thì phải tính làm ăn ra sao đây?”, vị chuyên gia lưu ý.

Xăng dầu tiếp tục đồng loạt giảm giá

Tại kỳ điều chỉnh ngày 21/12, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt được giảm giá. Cụ thể như sau: Xăng E5RON92 giảm 394 đồng/lít; Xăng RON95: giảm 318 đồng/lít; Dầu diesel giảm 257 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 249 đồng/lít; Dầu mazut giảm 394 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92 không cao hơn 16.787 đồng/lít; Xăng RON95 không cao hơn 18.141 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 16.001 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 15.003 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 14.008 đồng/kg.

Như vậy, giá xăng đã có tổng cộng có 5 lần điều chỉnh giảm liên tiếp kể từ hôm 22/10. Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (6/12), giá các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm khá mạnh. Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 1.446 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.513 đồng/lít. Còn dầu diesel giảm 1.379 đồng/lít; dầu hỏa giảm 990 đồng/lít; Dầu mazut giảm 784 đồng/kg.

Mai Chi (tổng hợp)

Cẩn trọng với nợ; Hàng triệu người dân sắp chịu thêm phí mới? - Ảnh 4.