"Cần đưa ra khỏi hệ thống công chức "lạnh tanh" với doanh nghiệp, đất nước"

(Dân trí) - "Không chờ các bộ nữa, việc gì phải chờ họ. Một hệ thống hành chính của chúng ta hoạt động theo thủ tục hành chính thì không bao giờ làm được. Chờ được công chức của các bộ họ chuyển biến, nóng lên một chút thì lâu lắm, trong khi họ đang "lạnh tanh" với sự phát triển của doanh nghiệp và "lạnh tanh" đối với sự phát triển của đất nước. Không thể chờ được", Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan góp ý.

Phát biểu góp ý về nhiều vấn đề gai góc xung quanh chuyện cải cách môi trường kinh doanh, "vấn nạn" trên nóng dưới lạnh trong cải cách bộ máy điều hành kinh tế, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ rất thẳng, rất thật.

Quy định chưa nghiêm

Theo bà Lan, việc thực hiện nghị quyết 19 qua 4 năm càng ngày tốt hơn, mỗi năm đều có một cái mới, ví dụ như hai năm nay Thủ tướng đã lập ra Tổ công tác để giám sát thực hiện, đôn đốc các bộ, ngành địa phương và lấy lên tiếng nói, tập hợp được hơn 5.700 điều kiện kinh doanh, xóa bỏ đi một số. Đó là kết quả của sự chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu rà soát lại.

"Cần đưa ra khỏi hệ thống công chức "lạnh tanh" với doanh nghiệp, đất nước" - 1

Nếu không có sự đốc thúc của Thủ tướng thì có lẽ các bộ ngành không thừa nhận là mình sở hữu nhiều điều kiện kinh doanh đến thế đâu. Nếu không bắt được bệnh sẽ không thể nào thực hiện được.

Vị chuyên gia luôn theo sát tiến độ cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam trong các năm Nghị quyết 19 ban hành cho biết: Nghị quyết 19 năm 2017 đưa ra 255 biện pháp để thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, trong đó riêng điều kiện kinh doanh đã đưa ra 5.700 điều kiện, nếu cắt 30 - 50% số đó đã là khó.

Theo bà Lan, kỷ cương thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh 4 năm qua không nghiêm. Bà dẫn chứng: "Đến nỗi từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đến Thủ tướng đều phải nói câu "trên nóng, dưới lạnh". Tất cả những người làm việc trong hệ thống, các ông Bộ trưởng, Thứ trưởng, các viên chức của các Vụ, Cục... đều là Đảng viên, nhưng tại sao Đảng ra Nghị quyết, chính hệ thống đó lại không thực hiện".

Bà Lan nói thẳng: "Kỷ cương đó ở đâu, trước hết phải trách cả bộ máy không thực hiện, không vận hành được và có lẽ chúng ta không buộc nổi bộ máy làm việc được".

Bà Lan nhớ lại: "Tôi nhớ vài người ngồi trong hội thảo hôm nay có những thành viên của Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp thời kỳ năm 1999, có GS Nguyễn Mại, có Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, TS Nguyễn Đình Cung... Khi ấy chúng tôi đưa ra các điều kiện kinh doanh lên, đề nghị Thủ tướng Phan Văn Khải cắt bỏ thì Thủ tướng quyết định cắt bỏ ngay chứ không phải đợi để "nài nỉ" các Bộ tự cắt giảm.

"Cần đưa ra khỏi hệ thống công chức "lạnh tanh" với doanh nghiệp, đất nước"

Đến khi thi hành Luật Doanh nghiệp thì đầu tháng 2 năm 2000, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết bãi bỏ 158/400 giấy phép kinh doanh tồn tại lúc đó. Cắt đi 40% chỉ bằng Quyết định của Thủ tướng, hiện nay chúng ta có làm như thế được không hay lại phải chờ các bộ họ cắt giảm từ 30% đến 50% như yêu cầu.

Không có lý gì dân và doanh nghiệp nuôi bộ máy làm khó mình

Bà Lan đề nghị, cách làm mới là phải đưa ra toàn bộ các điều kiện kinh doanh còn lại vào danh sách, đưa ra tiến độ cắt giảm vào tháng nào, soi xem làm đến đâu? Làm cái gì? Đến thời điểm yêu cầu phải cắt giảm, ví như tháng 5 hoặc tháng 6 mà các bộ không cắt được thì đích thân Thủ tướng sẽ ra quyết định cắt bỏ ĐKKD.

"Không chờ các bộ nữa, việc gì phải chờ họ. Một hệ thống hành chính của chúng ta theo thủ tục hành chính thì không bao giờ làm được. Chờ được công chức của các bộ họ chuyển biến, họ nóng lên một chút thì lâu lắm, trong khi họ đang "lạnh tanh" với sự phát triển của doanh nghiệp và "lạnh tanh" đối với sự phát triển của đất nước. Không thể chờ được", bà Lan nói rõ.

Bà này khẳng định: "Cứ nói ở trên nóng, dưới lạnh nhưng chúng ta phải thay đổi, trên nóng thì phải theo cách đó mới mong ở dưới nóng lên được".

Ngoài ra bà Lan đề nghị phải tăng cường kỷ cương tiến độ, nơi nào không làm được thì phải xử lý ngay. "Ở đây, họ không làm tròn nhiệm vụ của họ thì không lý do gì mà người dân, doanh nghiệp cứ phải nuôi người ngồi ở bộ máy, trong khi không làm trọn nhiệm vụ và luôn giữ biện pháp để làm khó cho dân, gây tốn kém cho đất nước", bà Lan nói.

Vị nữ chuyên gia khẳng định: Vừa qua có nhiều lời khen Bộ Công Thương xóa bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh tuy nhiên, cá nhân bà thì không nên hoan hỉ mà còn phải phạt vì họ đã đưa ra quá nhiều rào cản, giờ xóa bỏ đi là trách nhiệm của họ.

"Họ đưa ra quá nhiều giờ họ xóa bỏ đi chúng ta lại khen, khen để họ lại tiếp tục đưa ra rồi lại xóa đi tiếp à. Phải phạt ngay lúc họ làm sai chứ, tôi nghĩ cần có kỷ luật nghiêm, đưa ra khỏi hệ thống vì họ không đạt chuẩn trình độ, đạo đức nghề nghiệp thứ hai nữa là họ phải trừng phạt về tài chính", chuyên gia Lan nói.

Bà Lan nói: "Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) định lượng ra được việc cải thiện môi trường kinh doanh giúp lợi ích về thời gian tài chính, nghĩa là quy ra được thành tiền. Tức là nếu người nào cản trở, đạp lên lợi ích đó của xã hội thì phải trừng phạt, tại sao không".

Nguyễn Tuyền

"Cần đưa ra khỏi hệ thống công chức "lạnh tanh" với doanh nghiệp, đất nước" - 2