Cần định vị lại giấc mơ ô tô "Made by Vietnam"

Trên thế giới không có hãng xe nào tự làm 100% chiếc ô tô với hàng trăm ngàn chi tiết nên cần định vị lại giấc mơ ô tô Việt Nam.

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013 về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Đây được xem là một trong những biện pháp của cơ quan quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ngành ô tô.

Chia sẻ với báo Đất Việt, TS Trần Hữu Nhân, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TP.HCM khẳng định, không thể phủ nhận vai trò của công nghiệp ô tô đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ bởi ô tô là ngành sử dụng các sản phẩm do công nghiệp hỗ trợ làm ra, nếu công nghiệp ô tô phát triển thì công nghiệp hỗ trợ mới phát triển.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, Việt Nam cần xác định có phải làm một chiếc ô tô từ đầu đến cuối hay không khi bây giờ là xu hướng toàn cầu, bản thân ô tô là một sản phẩm đa ngành, đa quốc gia và theo chuẩn thế giới, không có hãng xe nào tự làm 100% chiếc ô tô với hàng trăm ngàn chi tiết lớn nhỏ khác nhau.

"Công nghiệp hỗ trợ chỉ là một khâu trong chuỗi làm ra một sản phẩm ô tô toàn cầu. Nếu Việt Nam tham gia được vào một chuỗi sản xuất ô tô trên hệ thống toàn cầu   thì chúng ta vẫn có cơ hội để phát triển ngành công nghiệp  hỗ trợ", TS Trần Hữu Nhân nói và cho rằng, ưu đãi thuế, phí ít nhiều có tác dụng tức thời nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ, bền vững. "Đây là cuộc chơi của toàn cầu, một công ty ô tô sẽ đi khắp nơi trên toàn cầu tìm kiếm phụ kiện cho chiếc ô tô của mình. Chỉ cần chúng phù hợp với yêu cầu của họ, giá rẻ là họ mua".

Cần định vị lại giấc mơ ô tô Made by Vietnam - 1

Ưu đãi thuế, phí không phải là giải pháp căn cơ để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Cho nên, theo vị chuyên gia, Việt Nam muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ thì trước tiên phải xác định thứ mình làm ra bán cho ai, tính cạnh tranh của thiết bị, linh kiện đó trên thế giới như thế nào? Phải nhìn thấy được tiềm năng của thị trường đầu ra và một khi tiềm năng thị trường thì ngay cả khi Nhà nước không hỗ trợ, doanh nghiệp cũng sẽ tự động đầu tư, phát triển.

Từ quan điểm trên, TS Trần Hữu Nhân chỉ ra một điều khó khăn, đó là ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ làm ô tô thế giới đã phát triển từ lâu, nếu Việt Nam đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ thì phải suy nghĩ xem công nghệ của mình có sự khác biệt như thế nào? Và thiết bị, linh kiện của Việt Nam hơn các nước khác ở đặc điểm gì?

"Nếu chỉ dựa vào nguồn nhân lực công nhân giá rẻ thì công nghiệp hỗ trợ bây giờ không cần nữa vì máy móc đã thay thế con người. Cho nên, phải xác định được các công nghệ ứng dụng trong ngành công nghiệp nói chung để có định hướng phát triển các dòng công nghiệp hỗ trợ trợ nhằm bắt kịp và tận dụng được lợi thế nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề thì mới thành công", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông cũng chỉ ra một thực tế: doanh nghiệp ô tô FDI tại Việt Nam tới nay chủ yếu nhập khẩu thiết bị, linh kiện, phụ tùng từ chính quốc hoặc từ các chi nhánh họ mở ở nước khác. Nhiều doanh nghiệp có đầu tư vào một số mảng công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, tận dụng các cơ chế ưu đãi cũng như nguồn nhân lực của Việt Nam để sản xuất các linh kiện nhưng đó là doanh nghiệp FDI và tính lan tỏa tới doanh nghiệp nội địa rất thấp.

"Vấn đề không dừng lại ở việc đầu tư máy móc, thiết bị mà ở đây là những sở hữu về công nghệ - cụ thể là bí quyết của công nghệ đã được những công ty, tập đoàn lớn nghiên cứu và có được. Sau khi có được những bí quyết đó rồi, các tập đoàn mới đổ bộ sang Việt Nam và các nước tương tự như Việt Nam để triển khai, tận dụng những lợi thế, ưu đãi của chúng ta để làm ra những sản phẩm có sức cạnh tranh", TS Trần Hữu Nhân nói.

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên tập trung đầu tư vào công nghiệp phụ trợ ở khu vực đóng vai trò then chốt, tạo nên sản phẩm mang tính chất "linh hồn" như hệ thống truyền lực, động cơ, TS Nhân bày tỏ: xu hướng phát triển công nghệ ô tô là trong 10-20 năm nữa động cơ đốt trong, hộp số... sẽ không tồn tại, thế giới chuyển sang những dòng khác như xe điện, nếu bây giờ Việt Nam bắt đầu đầu tư thì bán được cho ai? Thế giới đã làm được những sản phẩm đó từ lâu đời, chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn và Việt Nam khó có khả năng cạnh tranh được. 

"Toyota không làm hộp số, họ vẫn phải mua sản phẩm từ công ty chuyên về hộp số. Xu hướng của toàn cầu là công nghiệp phụ trợ chỉ là một trong những khâu tham gia vào chuỗi sản xuất ra sản phẩm, không ai có thể làm hết", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Vấn đề quan trọng nhất và TS Trần Hữu Nhân cho rằng Nhà nước nên tập trung đầu tư đó là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đó, ở các nước phát triển có các trung tâm nghiên cứu, trong đó tập trung đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, họ sẵn sàng làm các dự án, tham gia vào các dự án của các công ty, tập đoàn lớn để phát triển một mảng công nghệ, kỹ thuật nào đó mà tập đoàn đặt ra trong tầm nhìn tương lai và trung tâm đó có trách nhiệm giữ lại để thực hiện.

"Chất xám mới là yếu tố quan trọng nhất. Hiện nay chúng ta có nhân lực nhưng lại không khai thác được. Cho nên, đối với công nghiệp ô tô Việt Nam, đầu tiên phải tính đến đầu ra, phải phù hợp với xu hướng phát triển và nhất là phải tập hợp được lực lượng, phải có chiến lược từ đó xây dựng chính sách phát triển thì mới bền vững", TS Trần Hữu Nhân nhấn mạnh.