1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tự lực cánh sinh để công nghiệp ô tô Việt không èo uột...

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải tự lực cánh sinh để tránh rủi ro vì phụ thuộc.

Đánh giá về các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam cho rằng, cần phải xác định rằng các nhà máy công nghiệp phụ trợ ấy làm gì? Cung cấp cho ai?

Tự lực cánh sinh để công nghiệp ô tô Việt không èo uột... - 1

Điều dễ thấy là các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam không sản xuất từ A tới Z mà chỉ lắp ráp.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp tự bỏ vốn xây dựng nhà máy mới sản xuất phụ tùng, linh kiện riêng lẻ, với mục đích thay thế cho các phụ tùng, linh kiện ô tô trong nước bị hư hỏng, bào mòn.

"Trước đây, một quốc gia muốn làm chiếc ô tô phải làm từ A tới Z, nhưng bây giờ đã hội nhập thì giữa các tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới có sự thương thảo, phân công sản xuất, mỗi đơn vị sẽ chuyên làm một/một vài bộ phận, phụ tùng cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô khác nhau. Các bộ phận, phụ tùng ấy đương nhiên phải đạt chuẩn quốc tế thì mới có thể xuất khẩu, cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô khác nhau", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói và cho biết một phần nguyên nhân xuất phát từ năng lực tài chính của các doanh nghiệp.

Vậy nên, điều dễ thấy là các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam không sản xuất từ A tới Z mà chỉ lắp ráp và làm những chi tiết đơn giản, còn lại những bộ phận, chi tiết đòi hỏi kỹ thuật cao, máy móc sản xuất phức tạp thì đi nhập vì đầu tư không nổi.

 

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh kể, trước năm 1975, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam một số nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô để thay thế các chi tiết bị mòn, hỏng hóc của ô tô Nhật sử dụng tại Việt Nam.

"Khi phụ tùng, linh kiện bị hư hỏng, đến kỳ sửa chữa, người ta không thể điện sang Nhật đặt hàng từng phụ tùng riêng lẻ nên mới đầu tư các nhà máy chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng là vì vậy.

Cho nên, cái gọi là công nghiệp phụ trợ ô tô ở Việt Nam chỉ như công nghiệp dệt may mà thôi", vị chuyên gia nhận xét, đồng thời chỉ ra rằng muốn phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô cũng phải có sự đàm phán, phân công giữa các nước, chứ không phải đầu tư ào ào để rồi sản xuất ra không biết bán cho ai.

Chẳng hạn, Việt Nam có thể đàm phán với các quốc gia trong khu vực có ngành công nghiệp ô tô như Malaysia, Indonesia... để có sự phân công sản xuất: ai sản xuất chi tiết nào, phụ tùng nào... Sau này, khi doanh nghiệp Việt có kỹ thuật tốt, có thể đàm phán với các nước đang phát triển, thế nhưng cũng phải có hợp đồng hợp tác, phân công rõ ràng, từ đó mới có chiến thuật đúng đắn. 

Nhìn rộng ra, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải có năng lực tự sản xuất.

Trên thực tế, trước đây Việt Nam đã từng có Nhà máy cơ khí gò đầm Bắc Thái chuyên sản xuất từ chi tiết, phụ tùng đến động cơ; nhà máy GK20 Hà Nội cũng sản xuất máy nông nghiệp. Tuy nhiên, khi Việt Nam mở cửa, yêu cầu sản lượng lớn hơn, sản xuất trong nước không theo kịp vì mới sản xuất quy mô nhỏ, do đó chuyển sang nhập khẩu cho thuận tiện - vừa nhanh, vừa đỡ tốn công. Hệ quả là công nghiệp ô tô Việt Nam lụi tàn dần.

Cũng nhờ xu thế hội nhập, các doanh nghiệp ô tô FDI thấy Việt Nam có giá nhân công rẻ, đất trống nhiều nên đưa máy móc, thiết bị sang đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng, việc đầu tư này cũng có mặt trái là: FDI sản xuất một giá, bán cho Việt Nam một giá khác cao hơn rất nhiều, đã thế FDI lại hay kêu lỗ và như vậy thì họ không phải nộp thuế cho Việt Nam.

Cho nên, vị chuyên gia khẳng định hợp tác quốc tế là xu thế tất yếu, nó giúp cho giá thành rẻ hơn, có được sản phẩm nhanh hơn... Doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam có thể mua linh kiện, thiết bị tiên tiến nhất của các nước, mang về lắp ráp rồi dán mác Việt Nam, có được một chiếc ô tô không thua kém ai, song ngành công nghiệp nặng của một quốc tế phải tự lực cánh sinh để tránh rủi ro từ phụ thuộc.

"Chúng ta phải có năng lực tự sản xuất, dĩ nhiên là ở một quy mô nào đó mà thôi, Nhà nước vẫn phải đầu tư cơ bản để có thể tự mình làm ra chiếc ô tô, ban đầu có thể đắt một chút nhưng rồi dần dần sẽ hạ. Giá thành sản phẩm mình làm ra là chính xác, không phải như FDI nhập phụ tùng, linh kiện của họ vào rồi tăng giá, sau đó lại báo lỗ.

Quan trọng hơn, tự lực cánh sinh giúp Việt Nam tránh được rủi ro khi hợp tác với nước ngoài - bị gây áp lực, bị cắt hợp đồng hay gặp phải những tình huống bất khả kháng như dịch bệnh, khiến doanh nghiệp trong nước không thể nhập khẩu được linh, phụ kiện từ nước ngoài", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chỉ rõ.