"Cải cách thể chế là hiệu quả nhất nhưng tiến hành khó khăn nhất"

(Dân trí) - Đây là nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu tổng kết tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân năm nay.


    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu
    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu

    Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

    * Bộ Tài chính: Giá sữa đã tăng gần 31%

    * "Cải cách thể chế là hiệu quả nhất nhưng tiến hành khó khăn nhất

    * Ngân hàng Việt muốn "lấn sân" sang Mozambique

    * TPHCM: Giám đốc đang bỏ trốn, 14 container hàng nghi lậu vẫn ồ ạt về cảng

    Với chủ đề "Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế", Diễn đàn kinh tế mùa xuân năm 2014 đã dành phần lớn thời gian để thảo luận liên quan tới việc cải cách thể chế.

    Mượn hình ảnh một trò chơi để giải thích đơn giản khái niệm "thể chế", PGS TS Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng gồm 4 bộ phận là luật chơi, người chơi (Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân...), cơ chế chơi (chính sách của Nhà nước) và sân chơi (thị trường bất động sản, thị trường sản xuất...). Việc đổi mới thể chế là đổi mới cả 4 bộ phận nói trên.

    Theo ông Bá, việc cải cách thể chế phải tiến hành ngay, bởi dẫn số liệu về quy mô GDP so với thế giới, năng suất lao động hay tốc độ tăng GDP, Việt Nam đều đang ở thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

    Cụ thể, dân số Việt Nam tương đương 1,26% dân số thế giới nhưng tổng sản phẩm quốc nội GDP chỉ chiếm 0,193% GDP thế giới. Cùng với đó, năng suất lao động của Việt Nam chỉ tương đương 12-13% của Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc...và cũng chỉ bằng 37% của Thái Lan.

    GDP sau một thời gian tăng trưởng nhanh thì bắt đầu chậm lại. Nếu như Singapore cần 6 năm để tăng gấp đôi GDP, Hàn Quốc cần 4,6 năm và Thái Lan cần 8 năm thì Việt Nam cần hơn 23 năm.

    "Việt Nam muốn có được sự đột phá phải có những bước đột phá, nếu chúng ta vẫn làm từ từ bình tĩnh như thời gian qua thì kết quả vẫn từ từ bình tĩnh", ông Bá nói.

    Không chỉ riêng Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hàng loạt các chuyên gia trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế trong các bài tham luận đăng tại Kỷ yếu Diễn đàn năm nay cũng đề cập đến việc không chỉ cần thay đổi, mà là thay đổi nhanh chóng thể chế liên quan đến việc hình thành kinh tế thị trường, phân bổ nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh, phát triển thị trường bất động sản hay cải cách hành chính....

    16 chuyên gia trong các lĩnh vực đã phát biểu ý kiến liên quan tới vấn đề thể chế, trong khi nhiều chuyên gia khác cũng đăng ký trình bày tại diễn đàn năm nay.

    Tại phần kiến nghị giải pháp của PGS TS Lê Xuân Bá, ông cho rằng việc sửa luật của Quốc hội bị cắt khúc phải chăng xuất phát từ chỗ chúng ta chưa có chủ thuyết phát triển kinh tế riêng của Việt Nam.

    Điểm thứ hai được nhiều chuyên gia đề cập tới, là nói đến thể chế là nói đến vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Bá, đây chỉ mới là một vế. Vế thứ 2 được TS Bá đề cập tới là trên cơ sở xác định rất rõ chức năng nhiệm vụ của Nhà nước thì phải phân định một cách rạch ròi công việc của các cơ quan các bộ phận cái nào là quan trọng. Và cần nhất, là tất cả sự phân công này cần quy định thành luật.

    Kiến nghị thứ 3 được ông Bá đề xuất là phải làm rõ trách nhiệm và phải có chế tài khi cơ quan công quyền không thực hiện được nhiệm vụ.

    Thứ tư, TS Bá cho rằng, cần có một số tổ chức phải đưa ra ngoài Quốc hội, Chính phủ và cấp trên duy nhất là luật pháp. Đó là Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục thống kê và Ngân hàng Nhà nước chỉ căn cứ vào luật pháp để làm việc.

    Thứ năm, đã đến lúc phải nghiên cứu tìm cách tổ chức lại chính quyền địa phương. Bởi lẽ, tư duy hiện nay là làm kinh tế theo nhiệm kỳ, theo địa giới tỉnh chứ không phải theo vùng.

    "Kinh tế vùng hiện nay là phép cộng một cách số học giữa các tỉnh. Vì vậy, cần nghiên cứu làm sao để chính quyền địa phương không làm kinh tế, chỉ có Trung ương làm kinh tế, nếu có các vùng đệm làm kinh tế".

    Cuối cùng, ông Bá kiến nghị cần nhanh chóng ban hành một số luật. Liên quan tới vấn đề này, Bí thư Đảng ủy Quảng Ninh, nơi tổ chức diễn đàn năm nay, ông Phạm Minh Chính cho biết, điều thiếu nhất để có thể thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn không phải là vốn đầu tư mà là các chế tài đầu tư.

    Theo ông Chính, các nhà đầu tư đến tìm hiểu Vân Đồn không thiếu nhưng họ muốn biết họ được phép đầu tư gì. Có như vậy, họ mới thấy được lợi ích đầu tư. "Pháp luật về đặc khu kinh tế là chưa có và ngay cả việc có cho người Việt vào casino đánh bạc hay không cũng chưa có quyết định".

    Liên quan đến cải cách hành chính, ông Phạm Minh Chính thẳng thắn chia sẻ, khi ngân sách phải dùng tới 60-70% để chi trả lương nuôi bộ máy thì không còn tiền dành cho đầu tư. "Một huyện đảo có 200 hộ khẩu mà có tới 100 nhân sự ăn lương hành chính", Bí thư Quảng Ninh dẫn chứng.

    Chia sẻ bên lề hành lang diễn đàn, một nữ Chủ tịch Tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực khu công nghiệp đứng từ góc độ doanh nghiệp cũng thể hiện mong muốn có sửa đổi liên quan đến Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp hay Luật ngân sách Nhà nước.

    "Việc cải cách hệ thống luật không chỉ tạo sự thay đổi trong dài hạn đối với doanh nghiệp mà tác dụng ngay cả trong ngắn hạn. Bởi doanh nghiệp họ không thể đợi luật thay đổi mà phải tự thích nghi với môi trường này".

    Kết luận bế mạc diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, cải cách thể chế phải tiến hành toàn diện tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...

    Ông Giàu cũng cho rằng, cải cách thể chế thì vấn đề quan trọng là đầu tư cho con người, cải cách hành chính. "Cải cách thể chế là ít tốn kém nhất, hiệu quả nhất nhưng tiến hành khó khăn nhất".

    Xin mượn lời của PGS TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Việt nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thay cho lời kết khi nhận xét về cải cách thể chế thời gian qua: "Lâu nay nói nhiều về cải cách thể chế, gọi là đột phá, đột phá chiến lược nhưng sau nhiều năm nhìn lại thực sự vẫn chưa có cải cách thể chế".

    Lam Thanh

    VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước