Các tỷ phú Việt chia sẻ gì nhân dịp Tết doanh nhân?
(Dân trí) - Tại buổi gặp gỡ giữa Thường trực Chính phủ và đại diện giới doanh nhân Việt Nam, các tỷ phú, chủ doanh nghiệp đã có những chia sẻ về những kỳ vọng phát triển trong tương lai.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, mới đây, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, kể từ năm 2004, ngày 13/10 đã trở thành ngày Tết doanh nhân, là ngày các doanh nghiệp tập hợp lại và cùng suy ngẫm mình đã làm được gì và cần tiếp tục làm gì để giúp cho nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, để thúc đẩy Việt Nam sớm sánh vai các cường quốc năm châu.
Cam kết của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Air, chia sẻ cảm xúc phấn khởi, vinh dự của cộng đồng doanh nhân đón nhận Nghị quyết 41 vừa ban hành ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bà cũng bày tỏ quyết tâm của cộng đồng doanh nhân thực hiện tốt các chủ trương, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần vào xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
"Thay mặt cộng đồng doanh nhân gửi đến hội nghị, gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lời cam kết tiếp tục mang tới sản phẩm sáng tạo mang thương hiệu Việt Nam phục vụ cho người dân Việt Nam và đi ra thế giới; tiếp tục mang thế giới tới Việt Nam và mang Việt Nam đến toàn cầu", nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu.
Doanh nhân Việt đồng lòng
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco), rất tâm đắc với các nội dung trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo ông, Nghị quyết cũng đề ra doanh nhân trong thời kỳ mới phải lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng cống hiến.
Tinh thần Nghị quyết cũng xác định việc phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân gắn với phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, cho rằng thị trường trái phiếu, bất động sản vừa qua tuy có nhiều biến động, nhưng Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản, tháo gỡ cho thị trường trái phiếu. Bà bày tỏ mong muốn Chính phủ luôn là điểm tựa cho doanh nghiệp lúc "huyết áp tụt" hoặc lao đao.
Đại diện cho doanh nghiệp Thủ đô, bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA, cho biết xác định công nghệ tạo ra những sản phẩm Make In Việt Nam, giải quyết các bài toán của Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cũng nêu kiến nghị về kinh tế ban đêm. Kinh tế đêm làm GDP tăng cao, khắc phục bất cập xuất nhập khẩu.
Ông cũng nêu kiến nghị về bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện nay, ví dụ với thuế VAT, doanh nghiệp đóng chậm là phạt, nhưng VAT khi đến hạn hoàn thuế cơ quan quản lý chưa trả, trả muộn thì không bị phạt.
Ông cho rằng việc này 2 bên cùng phải có trách nhiệm, không chỉ doanh nghiệp, mà cơ quan quản lý Nhà nước chậm cũng phải phạt.
Tiếc nuối của Chủ tịch Phú Thái
Tại buổi gặp mặt, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, cho rằng, doanh nhân hiện nay có ý thức xã hội nhiều hơn, giàu lòng yêu nước và mong muốn đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước. Rất nhiều doanh nhân mong muốn cùng nhau hợp tác thành những tập đoàn kinh tế lớn, làm ăn bài bản, đóng góp nhiều dự án lớn cho đất nước.
Ông chia sẻ về việc hình thành liên minh phân phối Việt Nam 16 năm trước. Năm 2007, 4 công ty lớn trong lĩnh vực bán lẻ là Saigon Coop, Tổng công ty thương mại Saigon Plaza, Tổng công ty thương mại Hà Nội và Phú Thái đã liên kết thành liên minh phân phối Việt Nam.
"Tuy nhiên, hoạt động đó về cơ bản cũng hiệu quả nhưng không nhận được sự thuận lợi trong phát triển mở rộng địa bàn. Nếu liên minh đó phát triển thì thành tập đoàn bán lẻ rất lớn, nắm vững thị trường nội địa", ông Thái tiếc nuối.
Theo ông, mô hình kinh tế tư nhân lớn trước đây có thể chưa chín muồi nhưng hiện tại cơ hội đến Việt Nam rất lớn với các hợp tác song phương, hiệp định thương mại tự do, sự đa dạng của đối tác chiến lược... Đây là thời điểm chín muồi để Chính phủ có thể cân nhắc để xây dựng các tập đoàn nhà nước và tư nhân.
Chủ tịch Phú Thái nhấn mạnh các doanh nghiệp hàng đầu sẽ quyết định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Một cộng đồng lớn mạnh, bền vững với khả năng cạnh tranh toàn cầu, và các doanh nhân Việt Nam có khát vọng, lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường, thịnh vượng.