1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT:

Doanh nghiệp gặp khó vì tâm lý "sợ sai", không dám làm của một số cán bộ

Phương Liên

(Dân trí) - Dù kinh tế khó khăn nhưng số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó vì tâm lý "sợ sai", không dám chịu trách nhiệm của cán bộ.

Chiều 11/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Các doanh nhân đang mong chờ sự hưng phấn trở lại

Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố.

Tính riêng trong quý III, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 9 năm nay chúng ta có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022.

Không những vậy, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, năm 2022 và 2023, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế đất nước bị ảnh hưởng nhưng cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tranh thủ được tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế.

Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch Covid-19 và do xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam không chỉ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới.

Tuy nhiên, theo ông Công, để nắm bắt được cơ hội lịch sử này, tạo cú bật mới về tăng trưởng kinh tế, đây là lúc Việt Nam cần khơi dậy tinh thần kinh doanh trong giới kinh doanh, khơi dậy tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ công chức.

Doanh nghiệp gặp khó vì tâm lý sợ sai, không dám làm của một số cán bộ - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt (Ảnh: VGP).

Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng, nếu chúng ta giải phóng được sức mạnh tinh thần lúc này, tạo ra sự hưng phấn kinh doanh trong doanh nhân, hưng phấn dám nghĩ, dám làm trong cán bộ, chúng ta sẽ chớp được cơ hội lịch sử mà thế giới đang tạo ra cho Việt Nam và chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cùng khát vọng trở thành quốc gia phát triển sẽ thực hiện được.

"Nói gọn lại, các doanh nhân đang mong chờ sự hưng phấn trở lại", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không chỉ từ nay đến cuối năm mà dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024.

Cụ thể, sức mua của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm. Áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình

Không những vậy, doanh nghiệp cũng có nhiều vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Doanh nghiệp gặp khó vì tâm lý sợ sai, không dám làm của một số cán bộ - 2

Đại diện các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt (Ảnh: VGP).

Một số vướng mắc đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh đến các bộ, ngành liên quan và Chính phủ trong nhiều tháng qua nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để, tạo gánh nặng chi phí và áp lực lớn đối với dòng tiền của doanh nghiệp như quy định về phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế VAT, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm…

Đáng chú ý, trong lĩnh vực bất động sản, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, đây vẫn là nút thắt lớn nhất của thị trường. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 8 cả nước còn tồn đọng khoảng 1.000 dự án bất động sản (hơn 410.000 căn) đang mắc kẹt, chưa thể triển khai vì vướng mắc pháp lý.

Về giải pháp, Bộ trưởng KH&ĐT đề xuất nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm