Các nhà tài trợ than phiền Việt Nam giải ngân ODA chậm
Giải ngân vốn ODA chậm, đó là một trong những bức xúc chính trong hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) được tổ chức giữa kỳ năm 2007 tại thành phố Hạ Long.
Giải ngân thấp ảnh hưởng đến tăng trưởng
Tuy con số ODA cho năm 2007 là 4,4 tỷ USD, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, mới hợp thức hoá 1,2 tỷ USD và giải ngân mới đạt hơn 700 triệu USD. Dự kiến cả năm đạt 1,9 tỷ USD.
Con số này thể hiện một nỗ lực so với các năm trước, tuy nhiên, các nhà tài trợ vẫn mong muốn một kết quả tốt hơn và tiếp tục thúc giục Việt Nam cải thiện tình hình này. Và Việt Nam hoàn toàn có thể có một kết quả sử dụng ODA cao hơn và hiệu quả của nguồn vốn ODA sẽ tốt hơn nếu giải quyết được vấn đề giải ngân, vốn là một hạn chế từ nhiều năm nay.
Việt Nam đã nhận ra điều này và đang nỗ lực để cải thiện tình hình. Tại hội nghị CG giữa kỳ, Phó Thủ tướng Pham Gia Khiêm đã cho biết, Chính phủ Việt Nam rất tích cực để thúc đẩy giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án giúp đẩy nhanh giải ngân bằng việc đơn giản hoá thủ tục và thực hiện các chính sách điều chỉnh hợp lý với tình hình thực tế. Trong nỗ lực đó, Nghị định 131 về quản lý và sử dụng ODA cùng các văn bản hướng dẫn đang được hoàn thiện sẽ góp phần giải quyết vấn đề này. |
Mới đây, một nghiên cứu của Tổ công tác ODA của Chính phủ cũng chỉ rõ vấn đề này và xem đây như một vòng "luẩn quẩn" phát sinh từ việc giải ngân ODA chậm. Cụ thể, khi các dự án ODA chậm trễ, mức độ giải ngân thấp hơn.
Điều này khiến nảy sinh hai vấn đề, thứ nhất là vốn đầu tư cho phát triển giảm xuống, không đạt như dự kiến; thứ hai khi nguồn vốn hiện tại không được sử dụng đúng cam kết các nhà tài trợ sẽ cam kết thấp hơn cho những kỳ tiếp theo. Cả hai yếu tố này tất yếu sẽ khiến tốc độ tăng trưởng không đạt kế hoạch và có thể bị giảm sút. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vì thế sẽ bị ảnh hưởng.
Quyền giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Martin Rama cho rằng, nhìn chung, giải ngân của Việt Nam còn chậm vì hệ thống giải ngân của Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ khác nhau. Chính vì thế chúng tôi, các nhà tài trợ mong muốn Chính phủ Việt Nam tìm cách giải quyết vấn đề này, đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Cải thiện nhỏ sẽ mang lại hiệu quả lớn
Trong kế hoạch phát triển kinh tế 2006 - 2010, vốn ODA là một nguồn ngoại lực quan trọng. Dự kiến, mức vốn ODA cần giải ngân lến đến 11 tỷ USD và để có được mức giải ngân này phải có cam kết 19 - 21 tỷ USD.
Trong đó nhóm 5 ngân hàng phát triển tiếp tục duy trì vai trò quan trọng và cam kết hỗ trợ của nhóm 5 ngân hàng này dang tiếp tục tăng lên. Đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực cơ sở cho nền kinh tế như giao thông, năng lượng và chính sách xã hội.
Tuy nhiên, trong khi cam kết tiếp tục tăng lên thì tiến độ giải ngân chậm và có xu hướng đi xuống. Nghiên cứu của Tổ công tác ODA Chính phủ cho biết, tỷ lệ giải ngân dự án của 5 ngân hàng phát triển đã giảm từ năm 2004. Trong đó, 3 nhà tài trợ lớn nhất là ADB, JIBIC và WB vẫn còn thấp hơn tỷ lệ bình quân khu vực.
Cụ thể, tỷ lệ giải ngân WB ở Việt Nam là 12,5% so với mức 20% trong khu vực. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án ODA ở Việt Nam đều khởi động rất chậm, nhiều dự án được yêu cầu gia hạn… khiến cho dự án ODA hiệu quả sụt giảm do tăng giá đầu vào, tăng chi phí đầu tư và quản lý.
Có nhiều khuyến cáo đã được đưa ra nhưng một tính toán sau đây đủ cho thấy những thiệt hại từ việc chậm giải ngân và nhưng lợi ích có được khi tốc độ giải ngân được tăng lên.
Trong nghiên cứu của Tổ công tác ODA cho thấy, chỉ cần tăng 1% giải ngân của nhóm 5 ngân hàng phát triển là sẽ có thêm 500 triệu USD vốn đầu tư cho giai đoạn 2006 - 2010, mỗi năm có thêm 100 triệu USD cho các dự án phát triển nhất là các dự án xoá đói giảm nghèo.
Theo Phước Hà
VietNamnet