1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Các nhà máy ở Thượng Hải chật vật đưa công nhân trở lại làm việc

Nhật Linh

(Dân trí) - Các doanh nghiệp nước ngoài ở Thượng Hải đang chật vật đưa công nhân trở lại làm việc sau nhiều tuần ngừng hoạt động khi Trung Quốc phong tỏa thành phố ngăn chặn dịch Covid-19.

Các nhà máy ở Thượng Hải chật vật đưa công nhân trở lại làm việc - 1

Nhà máy sản xuất xe điện của Tesla tại Thượng Hải (Ảnh: Getty).

Gần một tháng kể từ khi Thượng Hải thực hiện các hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn Covid-19, các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu cho biết chưa đến một nửa số nhân viên của họ có thể trở lại làm việc.

Kể từ tháng 3, Trung Quốc đại lục đã áp các biện pháp hạn chế đi lại và yêu cầu người dân ở nhà tại nhiều trung tâm kinh tế lớn của nước này như Thượng Hải, Thâm Quyến, Cát Lâm. Trong đó, đợt phong tỏa thành phố Thượng Hải trên quy mô lớn hồi cuối tháng 3 gây xáo trộn lớn nhất cho cuộc sống hàng ngày của người dân cũng như các doanh nghiệp nước ngoài và các chuỗi cung ứng của họ. Thành phố này chiếm chỉ khoảng 3,8% GDP của Trung Quốc nhưng lại là nơi có cảng bận rộn nhất thế giới.

Thứ 6 tuần trước, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết họ đã cử một đoàn công tác tới Thượng Hải và kêu gọi chính quyền địa phương ưu tiên nối lại hoạt động sản xuất ở 666 doanh nghiệp lớn trong các ngành như sản xuất chip, công nghệ sinh học, sản xuất ô tô và thiết bị.

Theo bà Bettina Schoen-Behanzin, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp thành viên của tổ chức này đã nằm trong danh sách trắng, được phép hoạt động trở lại, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất, hóa học và ô tô.

Nhưng "nhiều công ty vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và hoạt động vận chuyển hậu cần khó khăn", bà nói với CNBC và ước tính chưa đến 30% lực lượng lao động của các thành viên có đủ điều kiện trở lại làm việc do các lệnh phong tỏa.

Lọt vào danh sách trắng có nghĩa các nhà máy sẽ được hoạt động trở lại, nhưng các nhà máy phải đảm bảo cái gọi là "quản lý khép kín", theo đó, công nhân phải sống trong khu vực sản xuất, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài và có xét nghiệm âm tính với virus.

Tuy nhiên, các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài cho rằng yêu cầu để đạt trạng thái khép kín này là không thể đạt được hoặc có thể chỉ kêu gọi được khoảng 30-40% công nhân trở lại làm việc. Khó khăn trong việc đưa công nhân trở lại nhà máy làm việc đồng nghĩa các công ty không thể tuyển nhân viên mới thay thế cho các ca khác nhau.

Theo CNBC