Các ngành công nghiệp ở châu Âu lao đao khi Nga khóa van khí đốt

Nhật Linh

(Dân trí) - Giá khí đốt tăng vọt, thị trường chứng khoán lao dốc trong khi đồng euro xuống thấp nhất 20 năm khi Nga tuyên bố ngừng vô thời hạn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1.

Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu đang tạo ra một cú sốc khác cho nền kinh tế châu Âu khi đang phải vật lộn để phục hồi từ sau đại dịch.

Các chính phủ ở Liên minh châu Âu (EU) đang phải đẩy mạnh triển khai các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ euro để hỗ trợ thanh khoản cho các công ty tiện ích cũng như bảo vệ các hộ gia đình khỏi những hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Giá khí đốt tăng 400% so với năm ngoái

Tờ Wall Street Journal đưa tin, châu Âu đang lo ngại nếu đường ống Nord Stream 1 tiếp tục đóng cửa, giá khí đốt và giá điện ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng lên các mức cao mới. Nếu không kịp thời hỗ trợ, các công ty dịch vụ tiện ích cung cấp điện, khí đốt và nhiệt sưởi sẽ sụp đổ vì không đủ tiền để mua khí đốt từ các nhà giao dịch năng lượng. Điều này sẽ gây bất ổn cho thị trường tài chính.

Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng vọt trong phiên hôm qua sau khi Gazprom - tập đoàn năng lượng do nhà nước Nga kiểm soát - thông báo ngừng cung cấp "vô thời hạn" khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1.

Các ngành công nghiệp ở châu Âu lao đao khi Nga khóa van khí đốt - 1

Nga tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 (Ảnh: Reuters).

Nhiều nhà phân phối điện ở châu Âu đang gặp khó khăn, trong khi một số nhà máy phát điện lớn đang chịu rủi ro và bị ảnh hưởng bởi giá trần năng lượng khiến họ không thể chuyển phần chênh lệch do giá tăng sang người tiêu dùng. Giá khí đốt ở châu Âu hiện đã tăng 400% so với năm ngoái.

Một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu như sản xuất phân bón, nhôm cũng đã thu hẹp quy mô sản xuất. Một số ngành khác vốn đang vật lộn với tình trạng thiếu chip và tắc nghẽn vận chuyển, nay lại phải đối mặt với các hóa đơn nhiên liệu tăng cao.

Theo Reuters, các công ty tiện ích thường bán điện trả trước với một mức giá cố định nhưng phải duy trì khoản đặt cọc ký quỹ tối thiểu trong trường hợp công ty vỡ nợ trước khi họ cung cấp điện. Khoản đặt cọc này càng tăng cao khi giá năng lượng tăng cao, điều đó khiến cho các công ty gặp khó khăn về tiền mặt.

Giá khí đốt chuẩn ở châu Âu đã tăng 35% trong phiên ngày hôm qua (5/9) sau khi Gazprom cho biết vụ rò rỉ thiết bị đường ống Nord Stream 1 khiến họ phải ngừng hoạt động sau thời gian đóng cửa bảo trì kéo dài 3 ngày.

Thị trường tài chính châu Âu cũng quay cuồng với thông tin này, với việc giá đồng euro xuống thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD, trong khi chứng khoán sụt mạnh.

Nguồn cung sẽ được mở lại nếu lệnh trừng phạt được nới lỏng

Đường ống Nord Stream 1 vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic, từng chiếm 1/3 nguồn cung khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu. Tuy nhiên, trước khi đóng cửa bảo dưỡng ngày 31/8, đường ống này chỉ hoạt động ở mức 20% công suất.

Châu Âu đã cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung năng lượng nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga sau cuộc chiến tại Ukraine. Trong khi Nga lại cho rằng chính các lệnh trừng phạt là nguyên nhân gây ra các vấn đề về nguồn cung khí đốt, cụ thể là sự cố rò rỉ ở đường ống.

Người phát ngôn điện Kremlin cho biết vấn đề với nguồn cung khí đốt là do các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga, bao gồm Đức và Anh, ngoài ra không có lý do nào khác.

Theo BBC, khi được hỏi liệu nguồn cung có tiếp tục trở lại nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng, một người phát ngôn của Điện Kremlin nói: "Chắn chắn rồi".

Nga cũng vận chuyển khí đốt đến châu Âu qua đường ống chạy qua Ukraine, tuy nhiên, nguồn cung này cũng đã bị cắt giảm khi cuộc chiến nổ ra, khiến châu Âu phải chạy đua tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế để nạp đầy các kho dự trữ khí đốt cho mùa đông sắp tới.

Châu Âu chạy đua đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng

Đức, quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung khí đốt Nga, vừa công bố gói hỗ trợ hàng chục tỷ euro cho nhà cung cấp điện Uniper. Berlin cũng cho biết sẽ chi ít nhất 65 tỷ euro để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi lạm phát tăng vọt do giá năng lượng tăng cao.

Ngày 5/9, Berlin cũng cho biết họ có kế hoạch giữ lại 2 trong 3 nhà máy điện hạt nhân mà họ định loại bỏ vào cuối năm nay, để đảm bảo cung ứng điện cho mùa đông tới.

Các ngành công nghiệp ở châu Âu lao đao khi Nga khóa van khí đốt - 2

Đức có kế hoạch khởi động lại 2 nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo cung ứng điện cho mùa đông tới (Ảnh: Reuters).

Phần Lan cũng đặt mục tiêu sẽ cung cấp gói hỗ trợ trị giá 10 tỷ euro (gần 10 tỷ USD), trong khi Thụy Điển sẽ cung cấp gói hỗ trợ trị giá 250 tỷ Kroner (23 tỷ USD) để đảm bảo thanh khoản cho các công ty điện của họ.

"Kế hoạch của chính phủ là lựa chọn tài chính cuối cùng cho những công ty có nguy cơ bị mất khả năng thanh toán", Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức cũng cho biết, Berlin và Paris sẽ hỗ trợ nhau trong trường hợp thiếu hụt năng lượng do cuộc xung đột ở Ukraine.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cũng kêu gọi châu Âu cung cấp thêm vũ khí, bù lại Ukraine sẽ cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu nhằm giúp khối này giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Năm ngoái, Nga đã cung cấp khoảng 155 tỷ m3 khí đốt cho châu Âu.

Một số quốc gia châu Âu đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp, trong đó có khả năng phải phân bổ năng lượng. "Chúng tôi không loại trừ việc Đức sẽ xem xét đến việc phân bổ khí đốt", CEO của Uniper cho biết.

Đức đang thực hiện giai đoạn 2 của kế hoạch khí đốt khẩn cấp 3 giai đoạn. Theo đó, nước này đang lắp đặt các thiết bị đầu cuối để có thể nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nhà cung cấp khác trên toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn cung LNG trên thị trường toàn cầu đang bị thắt chặt do nhu cầu tăng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục từ đại dịch. Giai đoạn 3 của kế hoạch này sẽ là phân bổ khí đốt.

Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn ở châu Âu, cũng đã bơm nhiều khí đốt hơn cho thị trường châu Âu, tuy nhiên, sản lượng khí đốt của Na Uy không đủ bù đắp cho nguồn thiếu hụt từ Nga.

Ngày 9/9 tới, các bộ trưởng năng lượng châu Âu sẽ nhóm họp để bàn về các phương án kiềm chế giá năng lượng leo thang, bao gồm cả việc áp giá trần khí đốt và cấp hạn mức tín dụng khẩn cấp cho các công ty tham gia giao dịch trên thị trường năng lượng.

Theo Reuters, BBC, WSJ