Buôn bán ế ẩm, hàng loạt tiểu thương chợ Bến Thành quyết định bán quầy

(Dân trí) - Lượng khách quốc tế đến TPHCM giảm mạnh đã khiến tình hình kinh doanh của các tiểu thương ở chợ Bến Thành (quận 1) gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài.

Buôn bán ế ẩm, hàng loạt tiểu thương chợ Bến Thành quyết định bán quầy - 1

Nhiều quầy sạp tại chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) vẫn đóng cửa "im lìm". Ảnh: Đại Việt

Chị Trần Thị Hà, tiểu thương bán quần áo tại chợ Bến Thành cho biết, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, doanh thu quầy bán quần áo của chị đạt từ 3 – 4 triệu đồng/ngày. Những ngày đông khách, doanh thu có thể đạt 6 – 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, kể từ khi có dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của chị vô cùng khó khăn.

“Hiện nay, bán cả ngày thì doanh thu cũng chỉ 600.000 – 700.000 đồng, có ngày ế ẩm thì chỉ bán được vài trăm ngàn đồng. Người nào thuê quầy thì bám trụ không nổi đâu vì bán từ sáng đến tối cũng không đủ tiền trả mặt bằng”, chị Hà nói.

Buôn bán ế ẩm, hàng loạt tiểu thương chợ Bến Thành quyết định bán quầy - 2

Nhiều tiểu thương đã quyết định bán hoặc cho thuê quầy sạp. Ảnh: Đại Việt

Chính vì việc kinh doanh ế ẩm mà “hàng loạt” tiểu thương tại chợ Bến Thành đang treo bảng cho thuê hoặc sang nhượng quầy cho người có nhu cầu.

Bà Hoàng Lan, chủ một quầy quần áo tại chợ Bến Thành chia sẻ, bà đang bán quầy quần áo ba mặt tiền đối diện cổng số 3, diện tích khoảng hơn 5m2 với giá 15 tỷ đồng. Nếu khách muốn thuê thì giá là 140 triệu đồng/tháng.

“Quầy của tôi thì bán quần áo, giày dép, túi xách gì cũng được. Muốn bán gì thì thay đổi giấy phép kinh doanh là xong. Người ta trả tôi 14 tỷ đồng rồi nhưng tôi chưa bán”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, do việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn cộng với việc riêng của gia đình nên bà quyết định bán quầy quần áo này.

Buôn bán ế ẩm, hàng loạt tiểu thương chợ Bến Thành quyết định bán quầy - 3

Nhiều quầy sạp kinh doanh giày dép, quần áo vẫn tạm ngừng kinh doanh. Ảnh: Đại Việt

Ghi nhận của PV Dân trí, nhiều quầy sạp kinh doanh giày dép, quần áo, thực phẩm, ăn uống… vẫn đóng cửa “im lìm”. Nhiều tiểu thương đã treo biển cho thuê và bán quầy.

Những quầy ở vị trí đẹp, nhiều người qua lại có giá hàng chục tỷ đồng. Quầy có vị trí khuất, lối đi lại nhỏ có giá từ 3 – 5 tỷ đồng. Giá thuê quầy ở những vị trí bình thường dao động từ 30 – 60 triệu đồng/tháng.

Buôn bán ế ẩm, hàng loạt tiểu thương chợ Bến Thành quyết định bán quầy - 4

Quầy quần áo 3 mặt tiền được rao bán với giá 15 tỷ đồng tại chợ Bến Thành. Ảnh: Đại Việt

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, một người chuyên môi giới mặt bằng, quầy sạp tại quận 1 thì hiện nay, tiểu thương rất khó bán và cho thuê quầy, bởi giá cả mà một số tiểu thương đưa ra đang tương đương với giá quầy ở thời điểm chưa xảy ra dịch.

“Rất khó tìm được người có thể bỏ ra 4 - 5 tỷ đồng hoặc cả chục tỷ đồng ở thời điểm này để mua một cái quầy sạp về kinh doanh. Bởi, tình hình buôn bán ở chợ Bến Thành hiện nay đã khác xa với thời điểm chưa xảy ra dịch. Tiểu thương muốn bán quầy sạp một cách nhanh chóng thì chỉ còn cách giảm giá sâu cho người mua. Mức giảm có thể sẽ phải lên tới từ 8 – 10% so với mức giá ở thời điểm chưa xảy ra dịch. Còn với giá thuê, mức giảm sẽ phải sâu hơn nhiều”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo Ban quản lý chợ Bến Thành, hiện chỉ có khoảng 31% tiểu thương mở quầy bán trở lại. Những quầy còn lại vẫn tiếp tục đóng cửa, treo bảng cho thuê hoặc sang nhượng.

Chợ Bến Thành là khu chợ chuyên phục vụ cho du khách, chủ yếu là người nước ngoài. Chính vì vậy, việc du khách nước ngoài đến TPHCM sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian qua đã khiến các tiểu thương rơi vào hoàn cảnh kinh doanh “bết bát” chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

Buôn bán ế ẩm, hàng loạt tiểu thương chợ Bến Thành quyết định bán quầy - 5

Nhiều quầy ăn uống tại chợ Bến Thành cũng đóng cửa kéo dài. Ảnh: Đại Việt

Thống kê của Sở Du lịch TPHCM, trong tháng 5/2020, lượng khách quốc tế mới đến TPHCM là 0 lượt, giảm 100% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số khách du lịch đến TPHCM sau 5 tháng đầu năm là 1,3 triệu lượt.

Lượng khách quốc tế đến thành phố trong 5 tháng đầu năm 2020 giảm đến hơn 63% so với cùng kỳ năm ngoài và chỉ đạt gần 14,5% so với kế hoạch năm 2020. Doanh thu của ngành du lịch, lữ hành 5 tháng qua ước đạt 4.230 tỷ đồng, giảm hơn 66% so với cùng kỳ năm trước.

Đại Việt