DNews

Bóng dáng EVNFinance - Amber Holdings tại Eximbank

Vĩ Quang

(Dân trí) - Nhóm nhân sự liên quan đến EVNFinance - Amber Holdings giữ nhiều vai trò chủ chốt tại Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát cũng như trong bộ máy lãnh đạo cao cấp tại Eximbank.

Bóng dáng EVNFinance - Amber Holdings tại Eximbank

Người của EVN Finance xuất hiện tại Eximbank từ khi nào?

Ông Nguyễn Hoàng Hải - quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB) - được tái bổ nhiệm với thời hạn 3 năm, từ ngày 3/10.

Ông Hải sinh năm 1978, có hơn một thập kỷ kinh nghiệm làm việc tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance, mã chứng khoán: EVF) và từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng như thành viên Hội đồng Đầu tư và Phó Tổng giám đốc tại ABBank Asset Management.

Trước đó, vào ngày 3/10/2023, ông Nguyễn Hoàng Hải đã được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc Eximbank sau khi đảm nhiệm vai trò Phó Tổng giám đốc Thường trực từ tháng 8/2023. Đáng chú ý, hồi tháng 5/2023, ông Hải đã từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc tại EVNFinance do lý do cá nhân, đồng thời từ bỏ các vai trò Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Người đại diện theo pháp luật tại công ty này.

Ông Hải là nhân sự thứ tư từ nhóm EVN Finance - Amber Holdings được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Eximbank.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào tháng 9/2023, ông Nguyễn Cảnh Anh được bầu làm Thành viên HĐQT của Eximbank. Đến tháng 4 vừa qua, HĐQT Eximbank thông qua Nghị quyết bầu ông Cảnh Anh - Thành viên HĐQT, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) thay bà Đỗ Hà Phương.

Từ tháng 8/2021 đến nay, ông Cảnh Anh còn giữ chức Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Amya Holdings - một thành viên của hệ sinh thái Amber Holdings. Trước đó, từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2023, ông là Giám đốc Khối nguồn vốn tại EVNFinance.

Bóng dáng EVNFinance - Amber Holdings tại Eximbank - 1

Ông Nguyễn Cảnh Anh, ông Nguyễn Hoàng Hải, ông Trần Anh Thắng và bà Doãn Hồ Loan (theo thứ tự từ trái qua phải) (Ảnh: Eximbank).

Cũng liên quan đến Amber Holdings, một cá nhân khác là ông Trần Anh Thắng được bầu làm Thành viên HĐQT độc lập từ tháng 2/2023, còn bà Doãn Hồ Lan được bầu làm Thành viên Ban Kiểm soát không chuyên trách tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.

Theo tìm hiểu, ông Trần Anh Thắng còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Amber Capital Holdings, trong khi bà Doãn Hồ Lan giữ cương vị Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Quản lý quỹ Amber. Đây đều là những "mắt xích" thuộc nhóm Amber Holdings.

Amber Holdings có lẽ không phải cái tên nhận được sự chú ý quá lớn trên thị trường, nhưng tập đoàn này đang sở hữu một hệ sinh thái đồ sộ như chứng khoán - ngân hàng.

Theo thông tin tự giới thiệu, Tập đoàn Amber (Amber Holdings) thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 200 triệu đồng. Ông Trần Anh Thắng là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT. Tập đoàn này phát triển trên ba trụ cột chính là tài chính - bất động sản - năng lượng. Amber Holdings xây dựng hệ sinh thái với hơn 8 đơn vị thành viên và tổng tài sản 15.000 tỷ đồng.

Trên website, Amber Holdings giới thiệu lĩnh vực tài chính với 3 công ty thành viên là Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Amber (Amber Capital) và Công ty cổ phần Đầu tư Amber Fintech.

Liên kết sâu sắc giữa EVN Finance và "hệ sinh thái" Amber

EVNFinance được thành lập từ năm 2008, với vốn điều lệ ban đầu là 2.500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) và gần 65.000 cổ đông là tổ chức và cán bộ nhân viên ngành điện.

Nhóm Amber Holdings bắt đầu hiện diện rõ nét tại EVNFinance kể từ khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam thoái toàn bộ vốn khỏi EVNFinance giai đoạn 2019-2020. Theo đó, nhiều nhân sự cấp cao của Amber Holdings cũng chuyển sang nắm giữ các vị trí quan trọng của EVNFinance.

Sức ảnh hưởng của Amber Holdings được thể hiện ở vị trí "ghế nóng" HĐQT, Ban Điều hành và Ban Kiểm soát EVNFinance.

Ông Phạm Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT EVNFinance là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần QNK Bắc Giang tại Hà Nội. Thành lập từ năm 2014, QNK Bắc Giang là chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng sân Golf, dịch vụ Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Dự án có tên thương mại Amber Hills Golf & Resort, và được đánh giá là một trong những dự án lớn của Amber Holdings.

Ông Lê Mạnh Linh - Thành viên HĐQT EVNFinance đồng thời là Chủ tịch HĐQT Amber Capital, ông Nguyễn Văn Hải - Thành viên HĐQT EVNFinance đồng thời là Giám đốc pháp chế Amber Capital, ông Nguyễn Trung Thành - Thành viên HĐQT EVNFinance cũng đồng thời là Thành viên HĐQT Amya Holdings. Ngoài ra còn nhiều cá nhân khác của hệ sinh thái Amber nắm giữ vị trí quan trọng tại công ty tài chính này.

EVNFinance mới đây cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 537,25 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng tính đến hết tháng 9 là hơn 38.200 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm.

Tuy nhiên, phần thuyết minh cho vay khách hàng tại kỳ báo cáo tự lập này không thể hiện chi tiết các khoản vay như tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.

Bóng dáng EVNFinance - Amber Holdings tại Eximbank - 2

Nhiều "người cũ" EVNFinance gia nhập Eximbank (Ảnh: EVF).

Theo đó, tại báo cáo soát xét bán niên, công ty kiểm toán cho biết phần thuyết minh cho vay khách hàng và góp vốn, đầu tư dài hạn mô tả các yếu tố có thể dẫn đến tính không chắc chắn của lợi ích kinh tế thu được trong tương lai của các khoản mục cho vay và đầu tư dài hạn khác của công ty.

Cụ thể, tại thời điểm 30/6, tổng dư nợ cho vay khách hàng của EVNFinance ghi nhận hơn 37.968 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản và tăng 13% so với cuối năm 2023.

Ở báo cáo tự lập, công ty chỉ thuyết minh cho các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước vay 34.663,8 tỷ đồng và cho vay bằng vốn tài trợ, ủy thác đầu tư 3.304,8 tỷ đồng.

Còn báo cáo tài chính soát xét đã làm rõ hơn về các khoản cho vay này. Trong đó, đáng chú ý là các khoản cho vay liên quan đến các dự án bất động sản chưa triển khai xây dựng tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính là 11.606,8 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Bên cạnh đó, EVNFinance cũng cho các nhóm khách hàng cho vay hoặc có cùng người đại diện hoặc cùng tòa nhà làm việc vay tới 24.901,6 tỷ đồng.

EVNFinance còn có các khoản vay ngắn hạn hơn 11.369 tỷ đồng góp vốn vào các hợp đồng hợp tác kinh doanh để triển khai dự án bất động sản dài hạn với tài sản đảm bảo là quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai.

Các khoản cho vay được định giá độc lập bởi một công ty thẩm định giá trong nhiều năm cũng ghi nhận tới 29.747,9 tỷ đồng.

Dù báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 không nêu rõ khách hàng nào đang được EVNFinance cho vay, nhưng theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp đã thể hiện rõ nét hơn giao dịch giữa EVNFinance và các đơn vị có liên quan đến người nội bộ của công ty.

Cụ thể, EVNFinance có 3 giao dịch với Công ty cổ phần Amya Holdings. Trong đó, cho vay khách hàng 356 tỷ đồng, phải thu lãi vay 27,6 tỷ đồng và thu nhập lãi cho vay 21 tỷ đồng.

Đồng thời, EVNFinance cũng phát sinh giao dịch chi phí lãi tiền gửi và giấy tờ có giá với Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Amber (Amber Capital) trị giá 22,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, EVNFinance cho biết kể từ ngày 4/4, Công ty cổ phần quản lý quỹ Amber không còn là người có liên quan tới doanh nghiệp.

Tương tự, Công ty cổ phần quản lý quỹ Amber, Quỹ đầu tư trái phiếu an toàn Amber cũng phát sinh giao dịch với EVNFinance. Thành viên HĐQT của EVNFinance là người điều hành quỹ đầu tư trái phiếu an toàn Amber.

Dù vậy, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm cũng thể hiện Quỹ đầu tư trái phiếu an toàn Amber cũng không còn là người liên quan với EVNFinance từ ngày 5/4.