Boeing, Airbus sẽ đầu tư “bom tấn” vào Ân Độ
(Dân trí) - Có lẽ không phải ngẫu nhiên, 2 đại gia Boeing - Airbus lại cùng lúc nhắm tới thị trường năng động nhất Đông Á, lại cùng lúc đổ tiền vào xây dựng trung tâm bảo dưỡng và cơ sở đào tạo ở nơi đây.
Với quyền kiểm soát trực tiếp Airbus trong tay, công ty Không gian và Hàng không Quốc phòng châu Âu (EADS) đã chính thức lên kế hoạch đổ vào Ấn Độ 2,6 tỷ USD trong vòng 15 năm tới. Số tiền này dành để đầu tư vào 1 trung tâm công nghệ, 1 đơn vị thiết kế và gia công máy bay Airbus.
“Ấn Độ hiện đang là mối quan tâm hàng đầu mà EADS nhắm tới. Không lâu nữa, sẽ có riêng các trung tâm đào tạo dành cho phi công, kỹ sư cũng như hàng loạt cơ sở bảo dưỡng và phân phối phụ tùng mang thương hiệu Airbus” - Tổng giám đốc điều hành Tom Enders của EADS cho biết.
Theo kỳ vọng của ngài Enders, trung tâm công nghệ sẽ đi vào hoạt động chậm nhất là giữa năm 2007, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 người.
Không hẹn mà gặp, cách đây vỏn vẹn có 3 ngày, Boeing chính thức bắt tay với chính quyền bang Maharashtra (miền tây Ấn Độ) bằng thỏa thuận xây dựng cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu máy bay, tổng tiền đầu tư lến tới 100 triệu USD. Tiếp đó, đại gia người Mỹ này sẽ rót thêm 85 triệu để lắp đặt 4 mô hình máy bay và cung cấp dịch vụ đào tạo.
Một ngày sau đó, cũng chính Boeing không ngần ngại bày tỏ viễn cảnh lạc quan trên thị trường Ấn Độ, dự đoán quốc gia này trong 20 năm tới sẽ “tậu” ít nhất 856 máy bay mới trị giá 72 tỷ USD, nhằm theo kịp với bùng nổ phát triển ngành hàng không thế giới.
Còn dưới con mắt của các nhà phân tích, những dự án đầu tư khổng lồ này về thực chất chính là bước “đi tắt đón đầu” ngoạn mục, là cú “mở lưới” giăng đón nhu cầu hàng không và quốc phòng đang ngày càng lớn mạnh ở Ấn Độ, đồng thời tận dụng triệt để kỹ năng phần mềm, trình độ công nghệ mức trên trung bình và chi phí nhân công rẻ tại đây.
"Nhìn vào thực trạng thị trường hàng không hiện tại của Ấn Độ và tiềm năng phát triển của nó trong 20 năm tới, bất cứ công ty nào dư dả khả năng tài chính cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội” - theo lời ông Kapil Kaul, chuyên viên tư vấn tại Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương.
Khôi Vinh
Theo AP