Bóc lý do ngân hàng hỗ trợ lãi suất 2%/năm nhưng khách không mặn mà

Thảo Thu

(Dân trí) - Tỷ lệ giải ngân còn thấp làm nghi ngờ khả năng hỗ trợ, thủ tục phức tạp, nhiều công tác thanh tra, kiểm toán… đã sinh ra tâm lý e ngại của khách hàng khi vay vốn.

Tại chuyên đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong khuôn khổ "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022" sáng 18/9, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian vừa rồi việc điều hành chính sách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, lãi suất và tỷ giá trong nước vẫn diễn ra tốt.

Về vấn đề tín dụng tăng nhanh, ông cho biết tính đến giữa tháng 9 đã tăng trên 10% so với mục tiêu 14%. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, kinh doanh…

Một trong những mục tiêu trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước là gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm lên tới 40.000 tỷ đồng. Trong đó, năm nay mục tiêu hỗ trợ 16.000 tỷ đồng và sang năm là 24.000 tỷ đồng.

Ông cho biết, sau khi phân bổ đã tiến hành triển khai, đã có hướng dẫn các ngân hàng thương mại và yêu cầu tập trung nguồn lực cao để triển khai nhanh.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông được chú trọng, lãnh đạo Ngân hàng trong các hội nghị chủ trì cũng nhấn mạnh việc nhanh chóng triển khai.

Qua 3 tháng triển khai, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8 năm nay là khoảng 13,5 tỷ đồng.

Bóc lý do ngân hàng hỗ trợ lãi suất 2%/năm nhưng khách không mặn mà  - 1

Ông Phạm Thanh Hà nhìn nhận số liệu giải ngân hỗ trợ gói lãi suất 2% còn khiêm tốn (Ảnh: Doãn Tấn).

Ông Phạm Thanh Hà nhìn nhận số liệu giải ngân còn khiêm tốn. Tuy nhiên, chuyện cho vay của hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn diễn ra bình thường, không phụ thuộc vào vấn đề còn hay hết "room" tín dụng. "Chuyện cho vay diễn ra hàng ngày ở các ngân hàng. Yếu tố quan trọng khác là thẩm định rủi ro, hồ sơ khách hàng…", ông nói.

Ông chỉ ra các lý do khiến gói triển khai hiện chưa được như kỳ vọng.

Về xác định đối tượng, ông Hà cho biết có trường hợp khách hàng không phải hoạt động đơn ngành mà đa ngành, nhiều hộ thuộc đối tượng nhưng không được xác định là vay vốn kinh doanh.

Ngoài ra, sự khác biệt giữa sự thẩm định của ngân hàng cho vay với sự đánh giá của cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng là lý do gói hỗ trợ chưa được triển khai nhiều.

Về chỉ tiêu đánh giá, khách hàng phải có phương án kinh doanh cụ thể cũng như khả năng phục hồi mới có thể nhận hỗ trợ. "Phải đánh giá tính khả thi của dự án do ảnh hưởng tới quá trình giải ngân", ông nói. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ban đầu khách hàng được thẩm định có thể trả nợ nhưng sau đó có rủi ro xảy ra, thì ngân hàng lại phải đánh giá lại về khả năng phục hồi.

"Chúng tôi nhận diện được những khó khăn trong việc triển khai và đã đề nghị các Bộ, ngành liên quan cùng thống nhất rằng khách hàng tự xác định ngành nghề kinh doanh của mình xem có thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng cho vay sẽ đánh giá chính doanh nghiệp có khả năng phục hồi không", ông nói.

Về tâm lý e ngại của khách hàng, ông chỉ ra nguyên nhân đầu tiên do mức giải ngân còn thấp gây ra nghi ngờ về khả năng hỗ trợ và thực tế triển khai. Ngoài ra, nhiều khách hàng cho rằng thủ tục vay vốn phức tạp, rườm rà. "Tuy nhiên, tiền là từ ngân sách, thủ tục đã được thống nhất từ trước", ông nói. Bên cạnh đó, khách hàng ngại các công tác thanh tra, kiểm toán.

Ông cho biết sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phối hợp liên ngành từ các địa phương, ngân hàng thương mại để nắm bắt, giải đáp thắc mắc còn vướng mắc trong thực tế. Đồng thời tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, người vay vốn... nhằm thu thập thông tin về khó khăn trong quá trình triển khai, từ đó trình Chính phủ và đưa ra các giải pháp để gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai nhanh hơn trong thời gian tới.

Bóc lý do ngân hàng hỗ trợ lãi suất 2%/năm nhưng khách không mặn mà  - 2

Quang cảnh chuyên đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, sáng 18/9 (Ảnh: Doãn Tấn).

Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, gặp khó khăn gì?

Cũng tại phiên thảo luận, PGS TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết từ đầu năm đến nay, có 11 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, quy mô 55,5 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân là 16%.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8 chiếm cơ cấu giải ngân lớn nhất, lên tới 63% và đã giải ngân được 54,6%. Gói hỗ trợ 2% lãi suất chiếm cơ cấu 1% là thấp nhất và mới giải ngân tỷ lệ 0,03%.

Ông chỉ ra một số khó khăn trong việc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp chưa tiếp cận được thông tin, điều kiện doanh nghiệp còn hạn chế. Đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng được yêu cầu về thủ tục hành chính. Thời gian hỗ trợ ngắn không giải quyết được bài toán khó khăn của doanh nghiệp, dàn trải nguồn lực tài chính hỗ trợ.

Đối tượng được hỗ trợ tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề như hàng không, kinh doanh xăng dầu, hỗ trợ tiền thuê đất… Các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời như khi nhận được các khoản trợ cấp Covid-19, doanh nghiệp gặp khó khăn để ghi nhận các khoản mục theo đúng quy định về kế toán.

Ông nhận định các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, nhưng ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu giữa các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp.

Ông đưa ra ví dụ, gói hỗ trợ lãi suất 2% nên hỗ trợ cả đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu. "Tiêu chí nhận ưu đãi hoãn thuế hoặc giảm thuế cũng chưa xác định được đó là ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp", ông nói thêm.

Hiệu trưởng Đại học Kinh tế nhận định một số chính sách chưa phát huy được hiệu quả do thiếu tính đồng bộ, chưa sát thực tế. "Các chính sách có sự mâu thuẫn, hạn chế lẫn nhau như công bố gói hỗ trợ lãi suất nhưng giới hạn mức tín dụng", ông nói.

Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội

Ngoài ra, về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà hiện đã giải ngân 50,91% cho hơn 4,8 triệu lao động.

Bóc lý do ngân hàng hỗ trợ lãi suất 2%/năm nhưng khách không mặn mà  - 3

Chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà hiện đã giải ngân 50,91% cho hơn 4,8 triệu lao động (Ảnh: Doãn Tấn).

Về việc đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, kinh phí thực hiện sử dụng tối đa là 3.150 tỷ đồng. Trong đó, đã hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư của: 5 dự án do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp thực hiện, với 950 tỷ đồng, 32 dự án của các bộ, ngành địa phương với 2.300 tỷ đồng, 3 dự án trong tổng số các dự án chưa được phê duyệt thủ tục đầu tư, không thực hiện tiếp (khoảng 200 tỷ đồng).

Về thực hiện một số chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đến 11/9, tổng dư nợ đạt 10.186 tỷ đồng, thực hiện được 26,5% chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 181 tỷ đồng, đạt 12,9% kế hoạch. Còn cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28 đạt 11 tỷ đồng, đạt 0,08% kế hoạch.

Ông chỉ ra một số vấn đề xã hội cần quan tâm trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tiên là việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực, chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp trong lực lượng lao động, đa số lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022. Tiếp tục mở rộng diện bao phủ trợ giúp xã hội cho các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong dân số. Ngoài ra, đổi mới chính sách xã hội hướng tới phát triển bền vững và thích ứng với già hóa dân số...