Bộ trưởng Thăng: “Địa phương có quyền bỏ thu phí bảo trì đường bộ”

(Dân trí) - “Việc có thu phí hay không thu phí là do HĐND tỉnh, thành phố quyết định, tiền này cũng để cho địa phương đó bảo trì đường”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Thảo luận về dự án Luật phí, lệ phí tại phiên họp sáng nay 18/6, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM), Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM cho rằng, về danh mục phí, lệ phí cần tiếp tục rà soát, lắng nghe người dân, doanh nghiệp để ban hành danh mục phí hợp lý nhất, bỏ 1 số loại phí vô lý, như phải loại bỏ thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện xe máy do dân không đồng tình.

“Đây là loại phí vừa không hợp lý, vừa thiếu công khai, khó minh bạch và khó thực hiện...”, đại biểu Tâm đánh giá.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng: Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, Nghị định Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định về thu phí theo mức tối đa và mức thu tối thiểu 0 đồng. Theo đó, thu phí xe máy là thuộc trách nhiệm của HĐND tỉnh, thành phố, không thuộc trách nhiệm của Trung ương. Trong quy định phí xe máy chỉ quy định mức tối đa, không quy định mức tối thiểu, tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương thì HĐND tỉnh quyết định có thu hay không thu.

Bộ trưởng Đinh La Thăng (ảnh: NH).
Bộ trưởng Đinh La Thăng (ảnh: NH).

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, trong văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính chỉ quy định mức thu tối đa, không quy định mức thu tối thiểu. Có nghĩa HĐND tỉnh, thành phố có thẩm quyền quyết định là có thu hay không thu, tức quyết định mức thu bằng 0 hoặc quyết định đến mức thu tối đa là thuộc quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố.

Hoặc những đối tượng được miễn thu là người nghèo, vùng sâu, vùng xa, chuẩn nghèo cũng do HĐND tỉnh, thành phố quyết định. Với địa phương chưa có quy định chuẩn nghèo thì căn cứ vào mức chuẩn nghèo của Thủ tướng quy định để địa phương triển khai thực hiện.

“Việc quyết định có thu phí hay không thu phí là do HĐND tỉnh, thành phố quyết định, tiền này cũng để cho địa phương đó bảo trì đường”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Đề cập tới đề xuất của bà Tâm về việc nên loại bỏ thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện mô tô, xe máy, Bộ trưởng Thăng cho hay: Quỹ bảo trì đường bộ đang lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố đánh giá sau 2 năm, bắt đầu từ năm 2013 để xem ý kiến người dân, tỉnh thế nào. Hiện nay đã có 27 tỉnh trả lời, trong đó có 2 tỉnh đề nghị bỏ thu phí xe máy là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, 25 tỉnh đồng ý thu và đề nghị có chế tài xử phạt đối với những người không nộp.

“Chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến còn lại của các tỉnh, thành phố rồi sẽ tổng hợp, báo cáo Chính  phủ để quyết định có tiếp tục thu hay không tiếp tục thu đối với phí xe máy”, Bộ trưởng Thăng nói.

Cũng về nội dung này, tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Phí và lệ phí cho thấy: Đối với phí sử dụng đường bộ, có ý kiến đề nghị chưa nên thu loại phí này đối với khu vực vùng cao, vùng nông thôn, vùng sông nước mà Nhà nước chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá, người dân vẫn còn đang phải sử dụng đường mòn. Một số ý kiến đề nghị đề nghị bỏ phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, phí bảo trì đường bộ hiện nay không thu hết, có địa phương thu trùng với BOT, do đó đề nghị khi cấp phép làm đường BOT phải là đường không độc đạo để người dân có sự lưạ chọn.

Ngoài ra, ý kiến khác cho rằng, hiện nay, phí BOT đang thực hiện rất nhiều nơi và tương đối cao, trong khi hàng năm người dân phải đóng phí bảo trì đường bộ, có thể dẫn đến việc thu trùng phí, do đó đề nghị xem xét lại quy định về phí qua các trạm BOT. Có ý kiến đề nghị bổ sung phí qua trạm BOT vào Danh mục phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Có ý kiến khác đề nghị Phí tại các trạm thu phí BOT nên được điều chỉnh bằng Luật giá. 

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng nay 18/6, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay, việc thu hay không thu phí xe máy chính quyền địa phương không có quyền quyết bỏ, buộc phải thu. Hiện nay, theo luật quy định mức thu tối đa là bao nhiêu, có khung cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM). Ảnh: NH.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM). Ảnh: NH.

“Ví dụ hội đồng nhân dân thành phố thấy xe 100 – 110 phân khối tác dụng làm cho hư hỏng đường là không khác nhau nhưng khung quy định của Bộ Tài chính là khác nhau. Chính quyền địa phương muốn đưa xuống khung thấp hơn cũng không được, từng loại xe phải nằm trong khung đó. Địa phương nào quyết định thu trật khung đó là vi phạm pháp luật. Chứ làm gì có chuyện địa phương được thu 0 đồng”, đại biểu Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Tâm nhấn mạnh, với việc thu phí xe máy, HĐND TPHCM quyết ở mức thấp nhất của mỗi một loại khung giá. “Thực tế, HĐND TPHCM là một trong 63 tỉnh thành có quyết định thu phí đường bộ đối với xe máy chậm nhất so với các địa phương bởi vì thấy không hợp lý và HĐND TPHCM không muốn thu loại phí đó", bà Tâm nói.

 Nguyễn Hiền