Bộ trưởng tài chính Síp mất chức vì để xảy ra khủng hoảng

(Dân trí) - Ngày 2/4, Bộ trưởng tài chính của đảo Síp Michalis Sarris đã chính thức tuyên bố từ chức để mở đường cho một cuộc điều tra nguyên nhân khiến hệ thống tài chính đảo quốc này suýt sụp đổ.

Hãng tin BBC dẫn thông tin của báo giới đảo Síp cho biết ông Sarris, 66 tuổi, sẽ bị thay thế bởi Bộ trưởng Lao động Haris Georgiades. Trước đó ông Sarris chính là người giữ vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán với bộ ba chủ nợ là IMF, EU và ECB. 
Ông Michalis Sarris đã phải từ chức Bộ trưởng Tài chính Síp.
Ông Michalis Sarris đã phải từ chức Bộ trưởng Tài chính Síp.
Quyết định từ chức được ông công bố ngay sau khi ông hoàn tất việc thương thảo các điều kiện cụ thể với các nhà tài trợ về gói cứu trợ 10 tỷ euro. Sarris khẳng định mình đã hoàn thành trọng trách nhưng cũng có khả năng sẽ bị chất vấn khi một cuộc điều tra về cuộc khủng hoảng vừa qua được tiến hành. 

Hãng tin Reuters cho biết, theo thỏa thuận đạt được vào hôm qua, đảo Síp sẽ nhận được khoản vay 10 tỷ euro với mức lãi suất xấp xỉ 2,5%/năm. Đảo quốc này sẽ được ân hạn nợ 10 năm trước khi phải hoàn trả trong vòng 12 năm. So với thỏa thuận được các chủ nợ đề xuất hồi năm ngoái, chính quyền Síp sẽ có thêm thời gian 2 năm, đến năm 2018, để đưa ngân sách thặng dư trở lại. 

“Đây là một tiến triển rất quan trọng, giúp chấm dứt một thời kỳ bất ổn kéo dài”, Christos Stylianides, người phát ngôn chính phủ cộng hòa Síp khẳng định. Ông Sarris thì cho biết khoản giải ngân đầu tiên đối với số tiền cứu trợ này sẽ được thực hiện vào tháng 5 tới.

Cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống đảo Síp Nicos Anastasiades đã chấp nhận đơn từ chức của ông Sarris. Bản thân vị cựu Bộ trưởng tài chính cho biết, quyết định thành lập ban điều tra nguyên nhân “đẩy” đảo quốc này tới bờ vực phá sản trước khi được “giải cứu” là một yếu tố khiến ông quyết định ra đi.

“Tôi tin rằng để mở đường cho công việc điều tra, việc tôi nộp đơn từ chức là đúng đắn và tôi đã làm vậy”, Sarris khẳng định. Tổng thống Anastasiades cho biết một ban điều tra gồm 3 thẩm phán đã về hưu của tòa án Tối cao đã được thành lập.  

Ông Sarris được bổ nhiệm vào “ghế” Bộ trưởng tài chính hồi tháng 2 vừa qua. Năm ngoái ông còn là người đứng đầu ngân hàng lớn thứ hai của nước này là Laiki. Kết quả kinh doanh yếu kém của Laiki là một trong những nguyên nhân chính khiến hệ thống tài chính của đảo Síp suýt đổ vỡ. 

Trong một diễn biến khác, chính phủ nước này vừa công bố nới lỏng một phần các biện pháp kiểm soát tiền tệ được ban bố hồi tuần trước. Theo đó mức trần của các giao dịch tài chính không cần chờ ngân hàng trung ương phê chuẩn được tăng lên. Ngoài ra người dân được phép sử dụng séc để rút tối đa 9000 euro tiền mặt mỗi tháng. Tuy nhiên các biện pháp quản lý còn lại vẫn tiếp tục được duy trì, trong đó có việc cấm người xuất cảnh mang quá 1000 euro.

Thanh Tùng
Tổng hợp