Bộ trưởng Tài chính: Chỉ nên giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nốt năm nay

Thảo Thu

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, giãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp chỉ nên thực hiện trong năm nay. Thời gian tới nên thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt.

Thu ngân sách đạt hơn 1 triệu tỷ đồng

Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Tài chính ngày 15/7, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, thu ngân sách 6 tháng đạt 1,038 triệu tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, chi ngân sách Nhà nước ước đạt 803.600 tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, trong khi lạm phát ở ngưỡng 4,08%.

Trong 6 tháng, ngành tài chính thực hiện các chính sách giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế với tổng số tiền sau 6 tháng là 184.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, giãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp chỉ nên được thực hiện trong năm nay để kết thúc một chu kỳ hơn 4 năm qua thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Mỗi năm đã giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới gần 200.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo an toàn tài chính công, thời gian tới nên bước vào chu kỳ mới, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, không giảm thuế mà tập trung vào tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Đây mới là mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Bộ trưởng Tài chính: Chỉ nên giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nốt năm nay - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: BTC).

Tư lệnh ngành tài chính lưu ý giải pháp hỗ trợ cần căn cơ hơn, đặc biệt là tăng giải ngân đầu tư công. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đạt 28,8%. Các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án vẫn vướng. "Không tháo gỡ, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ khó thúc đẩy phát triển kinh tế, ảnh hưởng các ngành phụ trợ", Bộ trưởng nhận định.

Với việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang tổng hợp, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách vướng mắc liên quan đến sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch là do hạn chế ở khâu lập kế hoạch cho đến khâu tổ chức triển khai thực hiện, giám sát kiểm tra.

Trong số đó, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, chưa quyết liệt. Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm tra thời gian qua chưa có chế tài xử lý trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

Gần 32 triệu người bị cơ quan thuế gửi "trát" đòi nợ

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử 6 tháng đầu năm với doanh thu quản lý là 1,8 triệu tỷ đồng. Số thuế đã nộp khoảng 50.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng cục Thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp chây ỳ nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Cơ quan thuế đã ban hành gần 174.500 quyết định cưỡng chế. Các hình thức cưỡng chế gồm: trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; cưỡng chế hóa đơn; kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ 3 nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Cơ quan thuế công khai thông tin, công khai số tiền nợ thuế của gần 632.000 người nộp thuế chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn với tổng số tiền gần 230.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Tài chính: Chỉ nên giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nốt năm nay - 2

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Ảnh: BTC).

Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân vi phạm; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

"Trong 6 tháng, cơ quan thuế ước tính đã thu hồi gần 45.500 tỷ đồng tiền thuế nợ. Tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý ước tính đến thời điểm 30/6 hơn 200.000 tỷ đồng", lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết.

6 tháng, nhà cung cấp nước ngoài khai, nộp thuế hơn 4.039 tỷ đồng. Lũy kế từ thời điểm triển khai, Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài thu hơn 15.600 tỷ đồng.