Bộ trưởng Tài chính bị truy vụ 34.000 tỷ đồng nợ thuế
(Dân trí) - Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khá nặng nề về con số cụ thể và bị đánh giá là dài dòng khiến chủ tọa hội nghị và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không khỏi sốt ruột. Bài phát biểu của tư lệnh ngành tài chính liên tục bị gián đoạn, bị nhắc nhở.
Tham gia trả lời chất vấn tại phiên làm việc sáng 17/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có phần báo cáo khá dài với 5 vấn đề, và theo ước tính của ông thời lượng cần lên tới 30-35 phút.
Phần trả lời của Bộ trưởng Dũng ít nhất 2 lần bị gián đoạn bởi những lời nhắc nhở của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
“Đỉnh” nợ công sẽ rơi vào năm 2017
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, mặc dù nợ công vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tốc độ tăng lên tới 20%/năm. Trong 5 năm của nhiệm kỳ này, nợ công đã tăng từ mức 50% GDP trong năm 2011 lên 50,8% năm 2012; năm 2013 là 54,5%; năm 2014 là 59,6% và dự kiến tăng lên mức 61,3% trong năm 2015.
Trong những nguyên nhân khiến bội chi và nợ công liên tục tăng có việc thực hiện miễn giảm giãn thuế để nuôi nguồn thu, tái cơ cấu nền kinh tế… Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước tăng mạnh để đảm bảo an sinh xã hội, tăng lương theo lộ trình, tăng chi cho quốc phòng an ninh.
Tốc độ tăng chi cho an sinh xã hội lên tới 18%/năm trong khi tốc độ tăng thu chỉ là 9,5%. Theo Bộ trưởng, đây là một trong những nguyên nhân khiến tăng bội chi và nợ công.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và một phần nông thôn mới cũng đã mang lại “mặt trái” là tạo thêm “gánh nặng” cho bội chi và nợ công.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, thực tế việc phân bổ vốn từ nguồn vay nợ “chỗ nọ chỗ kia chưa thực sự hiệu quả”.
Theo kế hoạch, nợ công trong năm 2020 sẽ giảm còn 58,5% GDP, đỉnh nợ sẽ rơi vào năm 2017 là 64,3%. Bộ Tài chính đã tính toán rất nhiều yếu tố, trong đó có việc vào 2017 sẽ “tốt nghiệp” ODA, khi đó lãi suất ưu đãi sẽ giảm.
Bộ Tài chính và Chính phủ đang đánh giá lại chiến lược nợ công và Luật nợ công, cần thiết sẽ kiến nghị sửa trong thời gian tới.
Rất sốt ruột nhưng không nóng vội!
Về tình hình cân đối thu chi ngân sách, Bộ trưởng Dũng cho hay, tỉ lệ chi thường xuyên đã lên 68% trong năm 2015, trong năm 2016 dự toán đưa xuống còn 64% và cố gắng đưa xuống 58-59% vào năm 2020
Về kết quả cổ phần hóa, giá trị phần vốn cổ phần hóa đã bán 27.000 tỷ đồng cả giai đoạn 2011-2015, thu về 35.169 tỷ đồng, tăng lên 8.116 tỷ đồng. Như vậy, mới chỉ bán được 2,1% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và cả giai đoạn từ năm 2000 cho đến nay mới chỉ bán được khoảng 5%.
Theo nhìn nhận của Bộ trưởng Dũng, “tuy đã làm rất nhiều việc, nhưng vẫn còn 1,2 triệu tỷ đến 1,3 triệu tỷ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp!”.
Ông Dũng cho biết, tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa phải từng bước và làm chắc chắn nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính chưa phát triển.
“Đẩy theo kế hoạch là cần thiết nhưng phải có trật tự, bán không cẩn thận rất dễ gây thiệt hại cho Nhà nước. Việc mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài dù cần thiết song vẫn phải từng bước” – Bộ trưởng cho hay.
“Chúng ta rất sốt ruột nhưng không nóng vội, phải thoái vốn có trật tự và đảm bảo nguyên tắc, làm sao đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN”.
Cam kết thu 34.000 tỷ đồng nợ thuế
Tại nội dung truy thu thuế, sau nhiều nội dung được Bộ trưởng Dũng trình bày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải ngắt lời: “Bộ trưởng hãy đi vào câu hỏi thôi, còn giải trình thì lập báo cáo rồi gửi Quốc hội! Đại biểu chỉ hỏi: Còn 67.000 tỷ đồng nợ đọng thuế, trong đó có 34.000 tỷ đồng có thể thu được. Bộ trưởng chỉ cần trả lời dứt điểm liệu có thu được không?”.
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Dũng quả quyết: “Chúng tôi đang quyết liệt và khẳng định sẽ thu được”.
“Như vậy Bộ trưởng khẳng định là 34.000 tỷ đồng chắc chắn sẽ thu được?” – Chủ tịch Quốc hội truy vấn.
Bộ trưởng trả lời: Trong năm nay đã thu được 31.000 tỷ đồng và còn 34.000 tỷ đồng vẫn còn “treo” lại. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận: “Đồng chí chỉ cần cam kết trước Quốc hội đảm bảo thu được, như vậy là xong”.
Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp tục trình bày số liệu, tuy nhiên phần trình bày cũng liên tục bị ngắt quãng khi Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng truy vấn tiếp: “Bao giờ Việt Nam phấn đấu được ASEAN 6 và bao giờ thì vào được ASEAN 4? Nói như thế để Quốc hội nghe và phấn khởi. Làm như thế nào việc của Bộ Tài chính còn Quốc hội chỉ ghi nhận mà thôi!”.
Bộ trưởng cho biết, trong năm nay đã thực hiện được mục tiêu ASEAN 6 và cam kết trong năm 2016 sẽ lọt tốp ASEAN 4 theo Nghị quyết 19 mà Chính phủ đã ban hành.
Bích Diệp