Giới ngân hàng: Ngân hàng số là tất yếu, ai đi chậm sẽ thua cuộc!

(Dân trí) - Các dịch vụ tài chính, ví điện tử, tiền điện tử... đã và đang trở thành xu thế của thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán số trên thế giới. Tại Việt Nam, các dịch vụ ngân hàng số đã và đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, có lượng khách hàng lớn... Đây là thách thức khiến các dịch vụ truyền thống của ngân hàng Việt lạc hậu, bỏ lại phía sau.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù” do Bizlive tổ chức hôm nay 14/6, các chuyên gia tài chính, ngân hàng và đại diện nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã chia sẻ thực tế phát triển ngân hàng số, nguy cơ và những thách thức lớn chưa từng có đối với ngành này.

Giới ngân hàng: Ngân hàng số là tất yếu, ai đi chậm sẽ thua cuộc! - 1

Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực

Chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực cho hay: “Ngân hàng số còn là mô hình kinh doanh mới, một cách tiếp cận mới với những giá trị mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có”.

Ngân hàng Việt chậm chân đi vào "ngân hàng số"

Theo ông Lực, hiện nay các nội dung số hoá ngân hàng là việc hình thành các hệ sinh thái phục vụ khách hàng, phát triển sâu sản phẩm theo hành trình khách hàng và chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm.

"Tất cả công việc này nhằm mang đến những trải nghiệm vượt trội, bằng cách thay đổi phương thức giao tiếp giữa khách hàng và ngân hàng. Tiếp cận thị trường khách hàng số đầy tiềm năng tại Việt Nam", ông Lực nói.

Thách thức ngân hàng hiện nay là: khung pháp lý, sự gia tăng cạnh tranh từ tổ chức phi tài chính; bảo mật, nguồn nhân lực...

Với thực trạng ngân hàng số tại Việt Nam, các Fintech, Bigtech năng động hơn và từng bước cạnh tranh với ngân hàng. “Nếu so sánh với tốc độ chuyển đổi số của các ngân hàng trên thế giới và ngay cả với các fintech tại Việt Nam hiện nay, tốc độ chuyển đổi của các ngân hàng Việt Nam có lẽ đang chậm hơn khá nhiều”, ông Lực nói.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp Ngân hàng Số VPBank cho hay: "Rõ ràng, ngân hàng số là con đường phát triển tất yếu của các nhà băng, trong đó, giá trị dữ liệu là tiền đề để phát triển".

Về phần thách thức, đại diện doanh nghiệp cho rằng, thách thức lớn nhất chính là niềm tin, thói quen khách hàng.

Thiếu hệ sinh thái, thách thức lớn từ thói quen người Việt

"Tôi đã từng được tham gia buổi nói chuyện của tỷ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba. Ông ta có chia sẻ rằng, trong những ngày đầu thành lập, ông đặt mục tiêu phải “phá” được thói quen cũ người dùng, tuy nhiên không hề dễ. Cần phải xây dựng niềm tin vìđể làm được điều này thì phải mang lại lợi ích mới cho người tiêu dùng", ông Thắng nói.

Giới ngân hàng: Ngân hàng số là tất yếu, ai đi chậm sẽ thua cuộc! - 2

Ông Nguyễn Chiến Thắng, đại diện của Ngân hàng VPBank

Ông này cho biết, thách thức lớn thứ 2 là xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới số, người dùng muốn sử dụng xuyên suốt tất cả các dịch vụ số cơ bản.

Theo ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng Số TPBank: Định nghĩa "ngân hàng số" rất rộng, với mỗi ngân hàng, thậm chí với mỗi người đều tự có những định nghĩa riêng. Tuy nhiên, ngân hàng số không phải là Internet Banking hay Online Banking, không phải là công nghệ ngân hàng, cũng không phải là kênh thay thế.

"Với chúng tôi, ngân hàng số là một mô hình kinh doanh ngân hàng, bao gồm 4 trụ cột là sản phẩm mới, cách thức bán, kênh tiếp cận, cơ chế vận hành, phục vụ khách hàng và cơ chế kiểm soát rủi ro", ông Nam nói.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, tham khảo nghiên cứu của các định chế tài chính lớn trên thế giới, khi áp dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể tiết giảm được 30-80% chi phí.

"Việc đầu tư công nghệ thông làm tăng chi phí sẽ tăng thêm khoảng 25-28% trong khi doanh thu tăng 35-48% dẫn đến lợi nhuận ròng có thể tăng khoảng 10-15%", ông Lực phân tích.

An Linh