Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quy mô các gói hỗ trợ của Việt Nam hơn 10 tỷ USD
(Dân trí) - Tổng quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 của Việt Nam được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết là khoảng 10,45 tỷ USD - tương đương hơn 2% GDP.
Tăng sức chống chịu nền kinh tế với các cú sốc trong tương lai
Sáng 1/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, Việt Nam vừa qua đã và đang chịu tác động từ đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế chậm lại. GDP quý III âm 6,17%. GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ.
Theo ông Dũng, thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng, tiêu dùng gián đoạn, đứt gãy, chi phí tăng cao, nguồn lực nhiều doanh nghiệp ngày càng bào mòn, đời sống người dân người lao động gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ chia sẻ khó khăn người dân, doanh nghiệp. Các gói này chủ yếu là chính sách tài khóa và tiền tệ như thuế phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn hoãn nợ, giảm lãi suất…
Ngoài các gói hỗ trợ nêu trên, còn thực hiện miễn giảm điện nước, cước viễn thông, học phí, chi bảo hiểm thất nghiệp… Tổng quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương hơn 2% GDP.
Bộ trưởng Dũng nhận định, so với nhiều nước trong khu vực, mức hỗ trợ này vẫn là thấp. Các chính sách hỗ trợ Việt Nam chủ yếu vẫn nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, tác động cung của nền kinh tế, còn thiếu các giải pháp dài hạn tổng thể nhằm tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện sức chống chịu nền kinh tế với các cú sốc trong tương lai.
Cũng theo ông Dũng, hiện Việt Nam vừa kiểm soát dịch Covid-19 vừa khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tốt để có thể mở cửa nhanh. Do đó, chương trình phục hồi kinh tế là rất cấp thiết nhằm nắm bắt thời phát triển trong trạng thái bình thường mới, ông Dũng nhấn mạnh.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện phối hợp với các bộ ngành địa phương xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.
Nhận định thách thức cho năm 2022 và 2023 là rất lớn, ông Dũng cho rằng cần đưa ra các giải pháp đi kèm, xác định được đối tượng ưu tiên có trọng tâm trọng điểm, tạo động lực phục hồi phát triển kinh tế, tổng thể cả về cung cầu, kết nối lưu thông hàng hóa. Thời gian thực hiện chương trình cũng phải đủ dài...
8 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế
Cũng tại hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết dự kiến Chương trình phục và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 sẽ có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, thứ nhất và cấp bách là việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực hệ thống y tế. Đây là nhóm nhiệm vụ quan trọng nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
Nhóm thứ hai là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, tiết kiệm chi thường xuyên.
Nhóm thứ 3 là hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy chính quyền, hành chính các cấp.
Nhóm thứ 4 là phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua chính sách bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại và giảm thuế phí ô tô trong nước.
Thứ 5 là hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành lĩnh vực ưu tiên bằng giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài chính, sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng bền vững, nhất là các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản…
Thứ 6 là phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp FDI, khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng...
Thứ 7 đó là phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước.
Thứ 8 là phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.