1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bộ trưởng Diên: Đang có khoảng trống pháp lý trong quản thuốc lá điện tử

Ban Kinh tế

(Dân trí) - Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đang trả lời chất vấn. Chiều nay, 107 đại biểu đăng ký chất vấn tư lệnh ngành công thương. Nhiều câu hỏi "nóng" được đặt ra.

Theo chương trình, phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn phiên chiều nay (4/6). 

Trong đó, nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương tập trung vào công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Bộ trưởng Diên: Đang có khoảng trống pháp lý trong quản thuốc lá điện tử - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Đoàn Bắc).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Báo cáo nêu tình hình đồng thời điểm ra hàng loạt vụ livestream bán hàng giả, điểm lại vụ livestream bán hàng, thu giữ hơn 126.000 sản phẩm không hóa đơn, chứng từ trị giá trên 20 tỷ đồng của "hot girl" Mailystyle... 

Vấn đề về giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, báo cáo của Bộ trưởng Công Thương cũng nêu, tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.

Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được, tính chuyên nghiệp và bền vững của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao.

Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo này, lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí luôn nắm vị trí dẫn dắt, đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp nói chung. Trong 4 tháng đầu năm, lĩnh vực chế biến chế tạo duy trì đà tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng chỉ số phát triển công nghiệp - IIP).

Hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành dệt may - da giầy đạt 45-50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, cắt giảm chí phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia, tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.