Bộ trưởng Bộ Tài chính: Có thể tăng bội chi ngân sách và gia hạn nộp thuế

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định dư địa của ngân sách năm 2020 rất rộng mở để tăng chi cho đầu tư và phát triển, có thể tăng bội chi ngân sách và xem xét gia hạn thuế.

Tại buổi Họp báo thông báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN 2020 và các hội nghị liên quan được tổ chức cuối chiều ngày 2/10, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông báo dù ngân sách năm 2020 dự kiến sẽ hụt thu lớn, song nhờ cân đối được thu chi, giảm chi thường xuyên và đi công tác nước ngoài nên bội chi ngân sách và nợ công đều đạt con số "vàng".

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Có thể tăng bội chi ngân sách và gia hạn nộp thuế - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng chủ trì buổi họp báo tại Hà Nội

Cụ thể, Bộ trưởng Dũng cho biết năm 2020, dự báo tăng trưởng thấp hơn dự kiến, thu ngân sách thấp hơn dự toán, giá dầu giảm thấp và một loạt chính sách thu bị điều chỉnh đã khiến thu ngân sách giảm mạnh. Tuy nhiên, để cân đối thu chi ngân sách, các bộ, ngành và địa phương đã cắt giảm rất nhiều chi ngân sách, trong đó có 10% chi thường xuyên, 70% chi phí đi công tác nước ngoài.

Chính vì giảm chi các khoản nói trên nên ngân sách tiết kiệm và vẫn còn dư địa để đủ chi cho đầu tư phát triển, phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Dũng, về cân đối tài khóa và hiệu quả chính sách tiền tệ, hết năm 2019, các mục tiêu 5 năm 2015-2020 gần như hoàn thành: Ví dụ như thu ngân sách Nhà nước đạt 25% GDP, chi ngân sách đạt trên 27 gần 28%; tỷ trong chi đầu tư và phát triển 29% tổng chi ngân sách (mục tiêu là 25-26% chi ngân sách); bội chi ngân sách nhà nước 3,36% GDP và nợ công hết năm 2019 là 54,7% GDP.

Trong khi đó, dự toán của Quốc hội cho phép bội chi 3,9%, trần nợ công cho phép là 65% GDP. Trong năm 2016, trần nợ công cao nhất là 63%, nhưng hết năm 2019 được điều chỉnh về mức 54,7% giá hiện hành (Quốc hội cho phép trần nợ công lên mức 65%)... Những con số trên cho thấy, dư địa tài khóa trong thời gian qua của Việt Nam được củng cố, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế rủi ro tài khóa.

Theo Bộ trưởng Dũng, với tình hình ngân sách năm 2020 được cắt giảm do dịch, dù có giảm song nhờ tiết kiệm nên ngân sách Nhà nước có thể có nguồn để bù đắp tăng chi cho đầu tư phát triển và phòng chống dịch. Bộ Tài chính hoàn toàn có khả năng và hiện nay còn nhiều dư địa để tăng chi cho các lĩnh vực này để phục hồi tăng trưởng, ổn định xã hội.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, so với 2013-2014, dư địa tăng chi ngân sách cho đầu tư phát triển và kiểm soát dịch của Việt Nam rất rộng; có thể tăng bội chi, dư địa của việc này đang rất mở và thị trường đang rất cần.

"Trong tình hiện nay có thể xem xét gia hạn các giải pháp giảm thuế, gia hạn nộp thuế... cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu để có thị trường tài chính ổn định, bền vững", Bộ trưởng Dũng nói.

Cũng tại họp báo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tại các hội nghị đa phương với các Thống đốc Ngân hàng trung ương và các doanh nghiệp, các nước ASEAN đều cam kết hợp tác chặt chẽ để duy trì khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước rất nhiều những bất ổn của kinh tế thế giới.

Ông Hưng cho rằng, các Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN đều thống nhất nhận định rằng kinh tế thế giới và khu vực đang chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

"Theo dự báo của ADB, đa số các nước ASEAN dự kiến tăng trưởng âm, từ mức - 1% đến - 8% trong năm 2020; trừ 3 nước có tăng trưởng dương ở mức thấp, từ 1,4% đến 1,8%; trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo định chế tài chính này, hiện đã xuất hiện các tín hiệu lạc quan khi các tổ chức quốc tế cho rằng mức tăng trưởng dương sẽ quay trở lại khu vực ASEAN trong năm 2021, từ 3% đến 6,5%. Trong đó, Việt Nam được ADB dự báo đạt tăng trưởng 6,3%", Thống đốc Hưng nói.

Theo ông Hưng, tại các hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước ASEAN khẳng định cam kết tiếp tục đảm bảo ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng khu vực nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.