Bộ Tài chính lại đề xuất sửa Luật thuế, giảm giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nội

(Dân trí) - Bộ Tài chính đề cập tới đề xuất sửa Luật thuế theo hướng "giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước".

1_862178.png

Nếu giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không tính phần linh phụ kiện sản xuất trong nước, ô tô nội sẽ có cơ hội giảm giá so với hiện tại.

Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính đề cập tới đề xuất sửa Luật thuế theo hướng "giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước".

Bộ Tài chính cho hay, nội dung quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước đang được quy định tại Luật 106/2016/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Căn cứ các quy định tại Luật này, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt (trong đó có ô tô) là giá do cơ sở sản xuất bán ra.

"Do vậy, trường hợp sửa đổi quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô theo hướng không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng tạo ra trong nước thì phải sửa quy định tại khoản 1 điều 6 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt", Bộ Tài chính cho hay.

Để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và đề xuất phương án giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính cũng dẫn quy tắc đối xử quốc gia nêu tại Điều III Hiệp định GATT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, trong trường hợp giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được trừ đi giá trị linh kiện sản xuất trong nước “có thể sẽ vi phạm cam kết về phân biệt giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước”.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng một số nước cũng áp dụng quy định cho trừ giá trị linh kiện nhập khẩu hoặc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước trong một thời gian ngắn 3-5 năm. Mục đích là để trong trường hợp bị kiện thì “quy định ưu đãi cũng hết hiệu lực” tương tự như trường hợp của Thái Lan và Indonesia.

Chính vì lẽ đó, Bộ Tài chính cho hay, Bộ này vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định khi sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước theo tỷ lệ nội địa hoá (tức là các linh kiện, phụ tùng được sản xuất trong nước được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt). Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá với xe 9 chỗ ngồi được đặt mục tiêu là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, song đến nay mới đạt tỷ lệ bình quân 7-10%. 

Trong một thông báo sau đó của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế cho biết, về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần cân nhắc nghiên cứu ý kiến của Bộ Công Thương.

Dù vậy, đề xuất này cũng từng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ngay cả Hiệp hội các nhà sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) với đa phần thành viên là doanh nghiệp sản xuất ô tô ngoại cũng quan ngại rằng chính sách này sẽ tạo ra một sân chơi không bình đẳng đối với các nhà sản xuất ô tô nói chung và không tuân thủ những cam kết của Việt Nam với WTO.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận rằng việc xác định giá tính thuế như trên sẽ khuyến khích sản xuất lắp ráp, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô trong nước. Tuy nhiên, Bộ này đề nghị cần nghiên cứu quy định trên để không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử WTO và các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, nhất là những Hiệp định có hiệu lực liên quan đến lĩnh vực ô tô.

Phương Dung 

banner_chan-bai.gif