Bộ Tài chính kê “thuốc đặc trị” doanh nghiệp chây ì, trốn niêm yết

(Dân trí) - Trước tình trạng các doanh nghiệp chây ì, né tránh việc niêm yết, đăng ký giao dịch, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 115 bắt đầu có hiệu lực từ 1/11, được cho là sẽ tạo ra hiệu ứng đột phá nhất từ trước đến nay đối với vấn đề cổ phần hóa DNNN.

Ngày 1/11 tới đây, Thông tư số 115/2016/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các DN (doanh nghiệp) 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần chính thức có hiệu lực.

Điểm đáng lưu ý nhất tại thông tư sửa đổi là quy định gắn hoạt động đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần của DN nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa. Chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM.

Với trường hợp của Sabeco, Habeco, mặc dù Thủ tướng yêu cầu phải niêm yết trong năm nay song Bộ Công Thương cho biết, đây là nhiệm vụ khó khăn do vướng nhiều thủ tục, mất thời gian
Với trường hợp của Sabeco, Habeco, mặc dù Thủ tướng yêu cầu phải niêm yết trong năm nay song Bộ Công Thương cho biết, đây là nhiệm vụ khó khăn do vướng nhiều thủ tục, mất thời gian

Theo đánh giá của đại diện Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đây là thay đổi mang tính kỹ thuật, tuy nhiên tạo ra hiệu ứng đột phá nhất từ trước đến nay đối với vấn đề cổ phần hóa DNNN.

Nếu như Quyết định 51/2014/QĐ-TTg đã tạo được bước tiến lớn khi bắt buộc các DNNN đưa cổ phiếu sau đấu giá vào giao dịch tập trung trên UPCoM trong vòng 90 ngày kể từ ngày DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN thì Thông tư 115/2016/TT-BTC đã tiến thêm một bước dài khi quy định đăng ký đấu giá đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCOM, nghĩa là cơ chế tự động đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Các quy định mới này đã tăng cường tính thực thi pháp luật, nhờ đó tình trạng các DN chây ì, né tránh việc niêm yết, đăng ký giao dịch sẽ được khắc phục mà không cần phải có các chế tài hoặc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thực thi khác. Thực tế cho thấy các giải pháp cưỡng chế thực thi chưa chắc đã hiệu quả.

Như vậy, các quy định tại Thông tư 115 đã giúp đưa phương thức cổ phần hóa IPO ở Việt Nam đến gần với thông lệ quốc tế IPO. Theo đó, IPO phải gắn với giao dịch trên sàn chứng khoán. Khi nộp hồ sơ đăng ký IPO, DN phải đưa ra kế hoạch niêm yết cổ phần chào bán trên sàn chứng khoán và khi DN được chấp thuận tiến hành IPO cũng đồng nghĩa với việc DN đó đã được chứng nhận niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán mà họ chọn.

Bên cạnh đó, quy định này cũng bám sát tiến trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trước đây, doanh nghệp phải trải qua 4 giai đoạn nộp hồ sơ khác nhau từ đấu giá, đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch.

Với Thông tư 115, DN sẽ chỉ phải hoàn thiện một bộ hồ sơ duy nhất gửi đồng thời cho Sở giao dịch chứng khoán nơi tổ chức đấu giá, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và HNX. Sau khi có kết quả thanh toán, Sở giao dịch chứng khoán nơi tổ chức đấu giá sẽ chuyển kết quả trực tiếp cho VSD và HNX, theo đó các cơ quan này sẽ tự động thực hiện các công việc tiếp theo theo quy định để đưa cổ phiếu lên giao dịch.

Những thay đổi này góp phần tăng tính công khai, minh bạch của DNNN sau cổ phần hóa, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tham dự đấu giá, từ đó tăng tính hấp dẫn của cổ phần đưa ra đấu giá, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư bên ngoài tham gia.

Với thay đổi mới trên, giá đấu cổ phần Nhà nước được cho là sẽ cao hơn, thu nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và phù hợp với tinh thần của Luật DN là “cổ phần được tự do chuyển nhượng”.

Trước đó, liên quan đến trường hợp niêm yết hai DN Sabeco và Habeco trên sàn giao dịch chứng khoán trước khi thoái vốn Nhà nước trong năm 2016 này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhiệm vụ này rất khó khăn do vướng nhiều thủ tục. Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tuyên bố, nếu chậm niêm yết Sabeco và Habeco thì lãnh đạo hai DN này phải chịu trách nhiệm trước Bộ Công Thương và Bộ Công Thương sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Bích Diệp