Bộ Tài chính: Bộ Công Thương mới là nơi chủ trì điều hành quỹ bình ổn xăng

Văn Hưng

(Dân trí) - Bộ Tài chính đang có phương án giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu. Trong khi đó, cơ quan chủ trì điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu là Bộ Công Thương.

Dù được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhưng gần đây giá xăng tăng lần thứ 5 liên tiếp và "neo" ở mức cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít lên 30.230 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 920 đồng/lít lên 31.570 đồng/lít.

Theo các chuyên gia kinh tế, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, để chặn đà tăng của giá xăng dầu, nhà điều hành cần tính toán vận hành quỹ bình ổn xăng dầu cho phù hợp, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Trước phản ánh trên, Bộ Tài chính cho biết Bộ Công Thương mới là cơ quan chủ trì điều hành quỹ bình ổn giá. Theo Bộ này, để giảm tác động của giá thế giới tăng đến giá xăng dầu trong nước thời gian qua, quỹ bình ổn giá đã được điều hành linh hoạt (giảm mức trích, tăng mức sử dụng), qua đó góp phần bình ổn giá xăng dầu và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

"Giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời linh hoạt sử dụng quỹ bình ổn giá để hạn chế tối đa mức tăng giá xăng dầu trong nước", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bộ Tài chính: Bộ Công Thương mới là nơi chủ trì điều hành quỹ bình ổn xăng - 1

(Biểu đồ: Văn Hưng).

Cơ quan này lấy dẫn chứng hiện nay, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong nước so với mức giá kỳ điều hành ngày 11/1 tăng khoảng 25,89-42,40%, thấp hơn so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thành phẩm thế giới khoảng 42,90-56,97%.

Để thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung, Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Trong đó, Bộ Tài chính xin ý kiến phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 12% nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

Về điều hành giá, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt công tác dự báo; cân đối sử dụng công cụ tài chính là quỹ bình ổn giá một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.